Lại nhớ thời gian đầu khi tôi tới Đà Nẵng và đang trong quá trình tìm việc. Một sáng nọ, tôi chạy xe quanh khu trung tâm thành phố để kiếm một quán cafe nào đó hay hay để ngồi đọc sách. Tìm được một quán trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Tự Trọng, cô chủ quán cũng đã tầm hơn 50, thấy tôi ngồi đọc sách thì lại bắt chuyện. Tôi và cô trao đổi khá nhiều chủ đề về sách, về thời cô đi học ở miền nam trước năm 75, về những cuốn sách hay trong các thư viện đại học thời đó bị đốt sạch vì cho là sản phẩm của văn hóa tư bản!!! Và cô cũng giới thiệu cho tôi tựa sách “Hãy để ngày ấy lụi tàn”. Tôi đã tìm kiếm khá lâu nhưng không mua được, tựa sách này luôn trong tình trạng hết hàng trên các trang bán sách online, còn nhà sách, hội sách thì tôi cũng không tìm ra. Rồi khi tôi mua được cho mình cái máy đọc sách Kindle, thì tôi tìm ebook và đọc. Chỉ mất 3 ngày, để tôi hoàn thành nó, câu chuyện vô cùng cuốn hút khiến tôi không muốn rời mắt khỏi nó dù đã mệt nhừ sau ngày làm việc dài đăng đẳng.

“Hãy để ngày ấy lụi tàn, cái ngày mà tôi ra đời và đêm mà người ta nói rằng có một con người được kết thành thai …”

Bối cảnh của “Hãy để ngày ấy lụi tàn”

Câu chuyện lấy bối cảnh ở quốc gia Nam Phi những năm thế khỉ 20, khi nạn phân biệt chủng tộc ở đây bao trùm lên toàn bộ xã hội. Sự khinh khỉnh của người u, sự tự ti của người da màu và thậm chí, người da trắng nhưng có dòng máu lai da màu cũng chỉ bị xếp hàng phía dưới. Xã hội đề cao sự thuần chủng da Trắng. Và điều đó thậm chí còn phải được đưa lên thẻ căn cước của mỗi người để chứng minh thành phần xã hội của họ như một phần trong dự luật Apartheid ở Nam Phi.

Thu nhỏ hơn, câu chuyện bắt đầu từ một gia đình nhỏ tại Nam Phi, Mary, một cô gái da màu kết hôn với một người chồng da trắng đến từ Anh. Đứa con đầu tiên của họ là Anthony, thật may mắn khi đứa bé có làn da màu trắng, như những người u thực thụ. Nỗi sợ về sự kì thị màu da đã ăn sâu vào tâm trí của Mary, cô luôn lo sợ điều đó, và lo cho đứa con của mình. Cô muốn đứa bé sẽ được đi học trong ngôi trường của người u, để đứa bé lớn lên như một người u và luôn được kính trọng. Cô đã phải chịu bị làm nhục nhiều lần bởi bị tên Chủ quán rượu nơi chồng cô làm việc, đồng thời là chủ tịch hội đồng của ngôi trường da Trắng. Để có thể cho đứa bé Anthony của mình được đi học tại đó. Cô tự thấy ghê tởm chính bản thân mình, mặc cảm tội lỗi với chồng và con. Nhưng cô tự an ủi bản thân vì đây là vì cô hy sinh cho Anthony. Và thằng bé cũng được nhận vào trường học dành cho người da Trắng.

Điều tồi tệ xảy ra, khi cô mang bầu đứa nhỏ thứ hai, cô đã luôn lo lắng về màu da của nó. Và đứa trẻ ra đời với làn da màu nâu, Steve, đứa bé đã được đặt tên như vậy. Vì không muốn ảnh hưởng đến tương lại của Anthony, Mary đã giữ khoảng cách giữa hai anh em. Năm tháng tôi qua, rồi chuyện chọn trường cho Steve đi học cũng là một vấn đề không đơn giản.

“Và khi Steve bị xếp vào loại da màu, thì ai còn quan tâm đến các phẩm chất khác của nó nữa?”

Việc cố gắng đưa Steve vào học chung trường với Anthony đã dẫn đến hệ quả là cả hai cũng bị đuổi học. Cho dù, Anthony là một đứa trẻ tốt, có học lực tốt và từng cứu mạng một đứa bé da trắng khác. Nhưng những phụ huynh khác trong trường đã tạo áp lực cho hiệu trưởng rằng họ sẽ cho con cái của họ nghỉ học vì không muốn học chung với đứa trẻ da màu nào cả, thậm chí là đứa trẻ da trắng có dòng máu lai. Hiệu trưởng đã đích thân đưa cho Anthony lá thư đuổi học.

“Vầng trăng khuyết rọi qua cửa sổ; ở bên ngoài, dế đang gáy rít lên sau trận mưa. Một lúc lâu, nó ngồi nhìn đăm đăm vào bóng tối. Bức thư nó đã đọc, những mảnh giấy nó ghép lại, có thực không nhỉ?”

Suy nghĩ mãi, Mary và chồng quyết định gửi 2 đứa trẻ đi học ở hai nơi khác nhau. Anthony tiếp tục học tại một trường da Trắng ở xứ khác. Steve được gửi về ở với ông bà ngoại và học trường da màu.

Rung động đầu đời:

Thời gian đầu, Anthony vẫn mong tới những dịp nghỉ để về thăm nhà, nhưng rồi nhận thấy, nơi quê nhà không còn thân thuộc, những định kiến vẫn khiến em cô đơn, và cảm thấy thấp kém. Em thậm chí hạn chế đi ra ngoài chung với mẹ mình. Những dịp lễ sau, em đã không về nhà, em tới chơi ở chỗ của các bạn.
Trong một dịp nghỉ, về chơi nhà bạn, anh đã gặp Ren, em gái của bạn mình. Hai người đã trao cho nhau những cảm giác của tình yêu đầu tiên trong đời mình. Kỳ nghỉ trôi qua, hai người vẫn thư từ qua lại. Nhưng rồi, vì không thoát khỏi được mặc cảm ẩn sâu trong dòng máu của mình, và câu nói đầy dận giữ của bố Ren trong một bữa ăn tối: “Tao sẽ không để cho thằng da màu nào đụng vào con gái của tao”. Anthony quyết định viết một lá thư cuối cùng để cắt đứt quan hệ. Anh đã luôn ray rứt về việc này.

Mất mát và ra đi

Mary mất, hai anh em quay về để tang mẹ, Anthony đã hối hận rất nhiều, anh thương mẹ, anh tự trách mình đã không chịu về thăm nhà trong những dịp lễ. Không lâu sau, ba anh cũng qua đời.

“Ở bên cạnh huyệt, một làn gió hiu hiu nổi lên, nhưng cây cối đã bị châu chấu ăn trơ trụi, không còn lá xanh để xạc xào trong gió.”

Hai anh em đã không còn lý do gì để quay về quê nhà. Và họ cũng đã không gặp nhau rất lâu sau đó. Môi người một hướng, học hành, cuộc sống. Họ cũng trải qua những năm phục vụ trong quân đội, và rồi đi làm.

“…Anthony đăm đăm nhìn lần cuối cùng cái thị trấn nhỏ bé nơi mình đã ra đời. Và khi quay đi, Anthony nguyền rủa nó, lòng cay đắng.”

“Anh thường tự hỏi, thế giới này có sẽ tốt đẹp hơn chút nào không sau cuộc chiến tranh này. Khi nó đã hoàn toàn kết thúc…”

Sự nghiệp và tình yêu:

Hết chiến tranh, Anthony giờ đây đã trở thành một nhân viên thành đạt cho một hãng bào chữa ở Cape Town, Steve làm việc cho một tờ báo chống phân biết chủng tộc ở vùng xa xôi khác. Sự nghiệp của Anthony đang phất lên, khi anh chứng tỏ được năng lực của mình. Và anh được Gin, con gái của ông chủ để mắt tới. Anh cũng đã có những suy nghĩ sẽ cưới cô, để gia đình cô trở thành điểm tựa, nơi dựa của mình cho sự nghiệp cũng như trong trường hợp sự thật về dòng máu của mình bị bại lộ. Nỗi sợ ấy, thứ thiên kiến về da màu chưa bao giờ bị dập tắt trong tâm trí của anh. No đã lanh truyền từ Mary sang anh, và được nhen nhóm bởi chính cái xã hội anh đang sống. Anh đã quyết định sẽ cầu hôn Gin…
Anh đang đi tới để gặp Gin thì một gương mặt quen thuộc lướt qua mặt anh… Anh đang cố nhớ lại, là ai nhỉ? Gương mặt ấy rất quen thuộc!
Là Ren, anh chạy theo cô. Hai người, di dạo với nhau và cùng trò chuyện, anh chưa bao giờ quên cô. Tình yêu anh dành cho cô chưa bao giờ biến mất, nó vẫn ở đó, trong sâu thẳm của anh. Ren là chỗ dựa tinh thần duy nhất cho anh lúc này, là người có thể cho anh sự thoải mái và bình yên. Anh đã thay đổi quyết định của mình ngay lần gặp lại ấy. Anh sẽ không cưới Gin.
Nhưng điều ấy vẫn không làm anh quên đi sự tự ti về dòng máu của mình. Mặc dù, Ren, từ những năm tháng ấu thơ, đã khẳng định rằng cô không hề có cái thiên kiến đó.

“Đất nước này đang trở nên giống nước Đức quốc xã cùng với câu chuyện hoang đường về chủng tộc…”

Phiên Tòa:

Một buổi tối, đã quá nửa đêm, khi Steve có chuyến công tác ở Cape Town, anh quyết định đến thăm anh mình trong đêm cuối trước khi lên tàu rời đi vào sáng sớm hôm sau. Vị khách không mời, một luật sư tiếng tăng, tình nhân của Gin đã tới nhà anh trong tình trạng say rượu vì cho rằng Gin đang ở đó. Vì không muốn cho hăn biết được sự thật về dòng máu của mình, anh phải ngăn không cho hắn thấy được Steve. Anthony đã vô tình làm hắn ngã và chết.

Mọi chứng cứ và lời khai trước khi chết của nạn nhân đều chống lại anh. Cách duy nhất để anh chứng mình mình vô tội, chính là nhân chứng duy nhất của vụ án, người em trai da màu của anh. Nhưng nếu làm vậy, mọi người sẽ biết sự thật về anh, tương lai của anh, những gì mà anh đã gầy dựng, sẽ tiêu tan trong chính cái định kiến miệt thị của xã hội này.

“Anh sẽ trắng án trong 1 phiên tòa hình sự , nhưng sự kết án của cuộc đời này là điều anh không thể tránh khỏi..”

“Về mặt sinh học, vẻ khác nhau giữa màu da của hai anh em chỉ là sự chuyển dịch của các gen; Về mặt xã hội, đó là một bi kịch…”

Rồi anh cũng đã phải đối mặt với nó, anh đã chấp nhận nói ra toàn bộ sự thật tại phiên tòa:

“Chúng tôi đã bị đem ra xử án từ lâu. Phiên toàn đó đã diễn ra từ trước khi chúng tôi ra đời. Chúng tôi bị xử án vì những hành động của tổ tiên chúng tôi, bị kết tội và bị kết án phải sống trong một thế giới đầy thiên kiến về màu da. Cho dù giờ đây các ngài có tha bổng cho tôi, bản án đó vẫn còn hiệu lực. Nó vẫn còn hiệu lực cho đến khi cuộc sống dưới trần thế của chúng tôi chấm dứt…”

Tình yêu vẫn ở lại:

Ren vẫn đến bên anh, Ren không hề rời xa anh, và rằng mọi thứ vẫn như trước, Ren nói với anh như vậy. Nhưng, nỗi sợ vẫn còn đó, Anthony vẫn chưa đủ tự tin, vẫn chưa gạt bỏ được. Anh vẫn tin rằng, sinh ra và lớn lên trong xã hội này, Ren ít nhiều cũng có ảnh hưởng từ nó, cũng có thiên kiến với người da màu…

Đoạn kết của câu chuyện là hình ảnh Anthony đứng bên vách đã và nhìn về phía xa nơi ánh đèn lung linh của Cape Town từ ban đêm, cho tới khi bình minh hôm sau khi anh nhìn xuống dưới, nơi vách đã lởm chởm…

“Trên vầng trán anh giờ đây đã mất hẳn nét ưu tư, vì so với những cạnh sắc lởm chởm của cuộc đời, những tảng đá trong vực thẳm dưới kia tựa như chiếc giường trải nệm lông chim còn êm dịu hơn nhiều.”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here