Trận cầu giữa Việt Nam và Indonesia trong khuôn khổ SEA games 2017 được diễn ra vào lúc 20h45 phút. Điều đó khiến cho việc theo dõi trực tiếp trên sân đối với tôi và đồng nghiệp trở nên thuận lợi hơn khi mà giờ làm việc kết thúc vào 19h. Thế nên, cả bọn quyết định đến sân vận động Salayang sau giờ làm để đón xem một trận đấu hứa hẹn sẽ rất quyết liệt này.
Đường dài đi xem SEA games
Giờ mà bọn tôi ra làm cũng nằm trong khung giờ cao điểm giao thông ở Kuala Lumpur. Uber cũng bị tính phí cao hơn. Nhưng đi 4 người thì mức giá đó cũng không quá khó chịu, vì xem trên bản đồ thì quãng đường khá xa (tầm 18km). Đường đông nên di chuyển khá chậm, đi được một đoạn, tài xế quay qua hỏi bọn tôi, chọn đường có tính phí hay đường không tính phí? Đường tính phí sẽ nhanh hơn. Bọn tôi hỏi phí bao nhiêu? 25RM, bọn tôi nghe vậy. Cả đám nháo nhào bảo không cần, và tôi thì có cảm tưởng mình đang đi vào “đường tránh Cai Lậy”. Sau vài giây ngẩn ngơ, ông tài xế quay qua nói chậm rãi và từ tốn như sợ bọn tôi nghe lầm. Phí chỉ có 2.5 RM thôi…. Lúc này cả bọn mới cười phá lên vì biết đã nhầm và đồng ý chọn đường có phí.
Bụng đói cồn cào, lo sợ rằng khi tới chỗ sân bóng sẽ không có gì để ăn, may sao tài xế dừng lại đổ xăng, bọn tôi cũng nhào vào cửa hàng tiện lợi gần đó để mua bánh và nước uống cho qua cơn đói. Khi đến gần sân vận động, thay vì chọn đường lớn, người lái xe lại chọn đi vào một mê cung những con đường nhỏ nhỏ trong một khu phố. Làm bọn tôi cảm tưởng sẽ chẳng bao giờ tới nơi dù ánh đèn sân vận động đã rất gần. Khi tới noi mới thấy đường lớn gần đó gần như kẹt cứng rồi.
Màu đỏ
Vừa tới sân, bọn tôi đã bị choáng ngợp bởi dòng người ngùn ngụt đang đổ về đây để theo dõi trận bóng. Màu đỏ khắp nơi, cổ động viên của cả Việt Nam và Indonesia đề khoác trên người chiếc áo màu đỏ, điểm phân biệt giữa hai nhóm là hình cờ trước áo, tên nước sau lưng và một phần nữa là màu da. Hỏi thử giá vé chợ đen sau khi thấy hàng người dài đăng đẵng chen chúc trước các quầy bán vé thì bị “hét vào mặt” 20RM. Giá đấy là gấp đôi giá thật. Nên bọn tôi quyết định xếp hàng, mỗi người chỉ được mua tối đa 4 vé, kiên nhẫn một hồi thì cũng đã mua đủ cho cả nhóm. Xếp hàng vào sân cũng chịu chung cảnh ngộ, đông đúc, và mất gần 20 phút bọn tôi mới vào được phía bên trong vì phải để lực lượng an ninh kiểm soát nhằm tránh người ta đem vũ khí hay vật liệu cháy nổ vào sân. Lúc này trận đấu đã bắt đầu và tiếng la hét, tiếng kèn trống vang lừng. Phía khán đài bên kia, cổ động viên Indonesia có lẽ đông gấp 2,3 lần Việt Nam, chen kín cả các chỗ trống. Cổ động viên hai nước nhuộm đỏ cả không gian, hò hét liên hồi, khí thế hừng hực.
Những pha tấn công, phạm lỗi, những hồi gay cấn là những lần khắp các khu khán đài lại vang dậy tiếng reo hò, kèn trống.
Tình hình khá căng cứng, mấy em gái thổi kèn khí thế, không ngừng nghỉ. Mấy anh trai thì nhịp lên xuống liên hồi, đứng ngồi ko yên. Ai nấy đều la hét trong sung sướng.
Một vài người quá khích thì cởi cả áo ra…
Lá cờ lớn
Hay còn gọi là lá đại kỳ. Mấy lần coi đá banh trên TV mà thấy cổ động viên căng tấm cờ nước khổng lồ nhìn rất thích và tự hào, không biết cảm giác khi đứng đó, cầm cờ vẫy như vậy sẽ như thế nào. Đến tối qua thì tôi đã làm được điều đó, được cầm vào lá cờ, rồi chuyền vào tay cho người phía sau, rồi đứng dưới lá cờ lớn đó. Cảm giác thế nào ư?
Mát! Mát rượi, không khí mùa này đang nóng, trận đấu trên sân rất nóng, khán đài đông người nên càng nóng. Khi lá cờ lớn đó được vẫy lên vẫy xuống thì mát rười rượi 😀
Cô nàng hoạt náo viên – The Cheerleader
Trong suốt thời gian ở sân vận động, người mình chú ý nhất không phải là một trong các cầu thủ trên sân. Mà là một cô gái gần như luôn ngồi quay mặt về khán đài, đưa lưng về phía sân cỏ. Cô là người chỉ huy các động tác và khẩu hiệu cho các cổ động viên làm theo. Cách cô gái tầm 10 m về hai bên là 2 người phụ tá cho cô phụ trách ra hiệu cho hai phần ngoài của khán đài. Cô có dáng dấp vừa phải, nhưng giọng nói khá cứng cỏi và đủ lớn để vượt qua nhiều tiếng xì xào của mọi người, để truyền đạt hiệu lệnh cho các cổ động viên phía trước. Khi muốn thực hiện các động tác hay khẩu hiệu nào, cô sẽ quay qua ra hiệu cho hai bạn hai bên trước, rồi thông báo cho khán giả. Họ sẽ làm trước để mọi người vỗ tay hoặc hô hào theo. Một bạn khác sẽ đánh trống để tạo nhịp cho mọi người. Suốt cả trận đấu, cô gái vẫn cứ liên tục đưa ra những khẩu hiệu và thông báo các động tác cho mọi người. Giọng của cô vẫn khỏe mà không thấy bị khàn đi tí nào. Thật đáng ngưỡng mộ. Kiểu như tôi mà la lớn vậy thì chắc không hết hiệp 1 thì đã khản giọng mất tiêu rồi.
Là lần đầu tiên đi coi đá banh, nên giờ mới biết là có người làm công tác hoạt náo này. Trước giờ coi qua TV cứ nghe khán giả hát hò, hô hào khẩu hiệu, vỗ tay theo nhịp. Nhưng không hiểu sao mọi người lại làm đều với nhau như thế. Giờ thì đã hiểu là có những người làm công việc này.