Nằm cách xa đất liền gần 60 hải lý, đảo Phú Quý thuộc Bình Thuận giữ cho mình những vẻ đẹp nguyên sơ và kỳ vĩ của tạo hóa. Những cảnh đẹp hút hồn, tài nguyên biển phong phú cùng sự nồng nhiệt và hiếu khách của con người nơi đây làm tôi luôn nhớ về hòn đảo này sau nhiều năm.
Kinh nghiệm du lịch bụi đảo Phú Quý
Phú Quý gồm có 3 xã là Long Hải, Tam Thanh và Ngũ Phụng. Tam thanh là khu vực trung tâm hành chính, Ngũ Phụng thì phát triển về trồng trọt nhiều hơn, còn Long Hải thì người dân đi biển là chính. Một điều thú vị là Phú Quý có tổng cộng 10 thôn thì 10 thôn có mười thứ giọng khác nhau, những thôn ở xã Long Hải là giọng khó nghe nhất. Người dân ở Phú Quý khi đánh bắt xa bờ thì sẽ đi ở khu vực quần đảo Trường Sa, thường mỗi lần đi Trường Sa sẽ kéo dài cả tháng, tôi còn được nghe họ kể về việc lên những hòn đảo ở Trường Sa, rồi giao lưu với bộ đội. Hay như những lúc gặp bão tố, hay mưa to gió lớn, thì họ cũng được cho cập thuyền vào các đảo để trú.
Thăm cảng cá buổi sớm
Cảng các nhỏ thuộc xã Long Hải, là nơi tập trung thuyền bè và tập kết hải sản đánh bắt được vào đêm hôm trước. Cảnh tượng đông đúc người mua kẻ bán và đủ loại cá, cua, ốc, sò, có những loại mà dám chắc, nếu không phải dân biển bạn sẽ chưa từng thấy qua nó.

Leo núi Cấm, ngọn núi cao nhất đảo
Núi Cấm cao 108m so với mặt nước biển. Trên đỉnh núi có 3 công trình: ngọn đuốc Bác Hồ, Hải đăng và trạm ra đa Hải quân. Dưới chân núi là chùa Linh Bửu. Dọc đường lên đỉnh núi có nhiều đường rẽ, vài đoạn, bạn có thể thấy những hầm công sự nữa.
Tôi leo lên phía hải đăng, bình thường thì sẽ không được phép lên Hải Đăng, nhưng sau khi trò chuyện với mấy anh trực ở đó thì tôi cũng đã được cho phép vào chơi. Từ bên này có thể nhìn thấy ngọn đuốc Bác Hồ phía bên kia. Ngọn đuốc cao 19.5m tượng trưng cho ngày sinh của Bác 19/5 phía trước là tượng Bác Hồ được đem về từ Đà Nẵng.
Tiếp theo tôi đi qua phía bên trạm ra đa vì nghe nói bên này có cái ống nhòm có thể xin lên xem và nhìn ra xa ngoài khơi được. Qua đến nơi thì tôi gặp được anh trưởng đồn, được các anh ở trạm mời vào uống nước nói chuyện và cho tôi lên trên tầng để dùng ống nhòm quan sát đảo.
Quang cảnh khi nhìn từ trên trạm ra đa xuống.
Núi Cao Cát, cao thứ hai trên đảo
Núi Cao cát ở đảo Phú Quý cao 98m, trên đỉnh núi có chùa Linh Sơn, xây dựng từ rất lâu rồi. Trên này thì cảnh đẹp tuyệt vời, vì có những vách đá bị phong hóa tạo ra hình rất đẹp, có thể nhìn ra hòn đen, hòn đỏ, hòn giữa.
Từ trái qua: hòn đỏ, hòn giữa, hòn đen. Còn cái mũi đất kéo dài ra ngoài biển đó là mũi Doi Thầy, khi nước cạn các bạn có thể đi bộ từ mũi Doi Thầy ra hòn Đen bắt ốc, ngồi nướng ăn tại chỗ
Vịnh Triều Dương, biển xanh cát vàng
Xuống núi, tôi tiếp tục đi ra tham quan Vịnh Triêu Dương là bãi tắm lớn nhất và đẹp nhất tại đảo. Chiều chiều, các nam thanh nữ tú, ra đây chơi rất đông, nhất là mấy ngày rằm, lễ hội này nọ, các nhóm thanh niên đem bia, đồ ăn, loa nhạc ra đây ngồi đông đen cả vịnh. Ở đây có nhiều ghế đá và xích đu, bập bênh cho các đôi bạn trẻ tình tứ vui đùa với nhau nữa.
Nơi đây thường có những du khách nước ngoài sống ở Mũi Né hay Phan Thiết tới để chơi lướt ván dù kéo. Tôi cũng mon men lại mượn chỗ chụp hình sống ảo 😀
Viếng mộ Thầy
Mộ thầy tọa lạc tại khu vực mũi doi Thầy, cũng có nhiều giai thoại về mộ thầy này, nhưng thường được nói đến nhất thì đây là một người chủ buôn, vì yêu thích đảo Phú Quý nên đã ra đây sống và mất ở đây.
chỗ cái giếng đá đó là mộ thầy
Đền thờ công chúa Bàn Tranh
Sau khi thăm mộ Thầy thì tôi đi tiếp qua chỗ đền thờ công chúa Bàn Tranh. Tôi được kể lại đây là một công của của Chăm Pa xưa, vì không tuân lệnh cha nên bị đày ra đảo này, công chúa đã cùng đoàn tùy tùng của tôi khai phá đảo Phú Quý.
Con rồng ở chỗ thờ công chúa Bàn Tranh. Con rồng này được các nghệ nhân già ở đảo làm từ các miếng chén dĩa cổ, cắt ra và ghép lại. Thật khéo tay.
Lăng cá ông
Đối với dân đi biển, thì cá ông là một loài cá linh thiêng, vì thế, nếu có xác cá ông trôi dạt vào bờ, thì họ sẽ rước về và làm lễ an táng trang trọng. Vài năm sau, họ sẽ đào bộ xương cá ông lên để đem vào trong nhà thờ. Nhà thờ cá ông ở Phú Quý thời điểm tôi tới có 2 bộ xương cá ông, một lớn, một nhỏ.
Ghé nhìn cận cảnh các cột phong điện
Trước kia trên đảo chỉ sử dụng điện được phát ra từ các trạm phát điện chạy bằng dầu, nên chiều tối sẽ bị cúp điện. Nhưng giờ đây, ở đảo được lắp đặt 3 cột phong điện, lượng điện cho chúng tạo ra đã dư dùng cho cả đảo, thời điểm tôi tới còn cho chạy luôn phiên, mỗi lần chỉ có 2 cột chạy đồng thời. Những cột phong điện này cũng trở thành một điểm thủ hút khách du lịch, vì cũng đâu dễ gì mà tới gần chúng như ở Đảo.
Khám phá các Lô cốt cũ
Nếu chịu khám phá quanh đảo bạn sẽ dễ dàng thấy những lô cốt của bộ đội ngày xưa và những hầm công sự, một số vẫn còn được quân đội ở đây sử dụng. Nhưng nhiều những lô cốt lộ thiên thì bị xây bít cửa lại rồi, cũng có cái thì bạn có thể chui vào được bên trong luôn. Thời gian ở đây, tôi với một đứa em cũng chịu khó khám phá ra được vài cái. còn chui vô trong xem có gì không nữa. Nhưng chỉ thấy tối thui và ẩm thấp thôi.
Hùng vĩ Gành Hang
Nơi này nằm trên đường đi từ núi Cao Cát đến Vịnh Triều Dương, phía dưới vực đá này có một cái hang nằm ngang với mực nước biển. Các bạn ưa mạo hiểm có thể leo xuống dưới đó khám phá.
Đặc sản ở Phú Quý
Buổi tối hôm đó về trời có mưa. Mà ở đảo, sau mưa là như trẩy hội ấy. Nam thanh nữ tú đổ xô ra đường bắt ểnh ương. Có nhà dắt theo con nhỏ theo cả gia đình tung tăng bắt ểnh ương. Không khí rất vui, khó mà tìm được những cảnh vui và yên bình như thế
tôi được thằng em rủ đi soi ễnh ương cũng háo hức đi theo, hết bắt ngoài đường nhựa thì len vào trong rẫy người ta bắt. Vào trong rẫy của một người nhà của thằng em, có cây ổi ra mấy trái to quá trời, tôi với nó bẻ trộm mỗi đứa một trái ăn. Đi lùng sục khắp các ngóc ngách, soi đèn ra phía xa, nếu thấy động tĩnh của tụi nó là chạy lại liền. Khi thấy được con ễnh ương trước mắt là bọn tôi vồ lấy bằng 2 tay, rồi cho vào bọc. Khổ cái là trong các rẫy hay có mấy cây dứa dại, loại dứa này lá có rất nhiều gai nhọn, nên cũng phải cẩn thận bước chân.
Dân đảo Phú Quý rất thích ăn ễnh ương và họ nói với tôi là ễnh ương trên đảo ngon hơn trong đất liền. Sau khi luộc lên, người ta sẽ cắt 1 đường ngang bụng, moi ruột ra và cầm nguyên con chấm nước mắm bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, ăn cả xương…. tôi nhìn hãi quá nên chỉ dám thử 1 miếng nhỏ…. thấy ngậy ngậy, vị giống như hột vịt lộn, nhưng mà ngậy hơn. Người đảo nói với tôi là họ ăn hột vịt lộn thì thấy ớn ớn, còn món này thì ngon 😀
Ngoài ra ở Phú Quý có món đặc sản thật thụ đó là món Dông đất (kiểu giống con tắc kè, nhưng bự hơn). Nếu có dịp cán bạn đừng quên thử nhé.
NHỮNG TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ Ở PHÚ QUÝ
Thời gian tôi ở Đảo, tôi đã được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị với cuộc sống của những người dân biển.
Đi lùa cá. Tôi đi theo vài bạn ngư dân trên chiếc cano nhỏ, có một chiếc máy sục khí, và vài cái ống hơi dài để người ta ngập lấy rồi lặn xuống biển trong thời gian dài. Họ sẽ giăng lưới dưới biển rồi bơi lùa cá vào lưới. Tôi mặc áo phao, đeo kính lặn vào, nhảy xuống biển thì chao ôi, dưới làn nước trong vắt kia là cả một rặng san hô, và rất nhiều những đàn cá đủ màu sắc, con to con nhỏ…
Đi mò ốc. Đó là một trải nghiệm khác, khi đi ra ngoài biển đoạn nước chỉ ngang lưng quần, hoặc tới cổ, đeo kính lặn vào, mò xuống dưới những tảng đá, tôi có thể bắt được những con ốc nón, đem về luộc ăn rất ngon và ngọt. Rồi một lần khác đi đi mò nhum, ở một bãi biển khác, nước tới bụng thôi, nhưng nhum thì tràn lan, cứ cúi xuống rồi lượm.
Đi bắt còng. Một buổi tối, tôi với nhiều những người bạn đi bắt còng trong đêm, cả đám mang theo xô, cuốc, đèn pin đi ra biển vào một đêm không trăng. Ban đầu thì cả bọn cuốc hùng hục mỗi lần thấy một cái hang còng. Cả bọn đi bắt còng mà làm náo động cả một dải bờ biển trong đêm tối tĩnh mịch. Dấu chân tụi tôi chạy dài, rồi những cái hố bị cuốc nham nhở, phá nát bờ biển phẳng phiu trước lúc bọn tôi đến.
THÔNG TIN DU LỊCH PHÚ QUÝ
Di chuyển: Hiện tại có hai loại tàu đi đảo Phú Quý từ cảng Phan Thiết. Tàu thường là loại tàu chở cả hàng và người thì giá 150 nghìn đồng và thời gian đi là tầm 6 tiếng. Tàu cao tốc thì có giá tầm 250 nghìn đồng hoặc nếu muốn ở phòng riêng giường nằm trên tàu thì là 350 nghìn đồng nhưng thời gian di chuyển chỉ tầm 3 tiếng rưỡi. Thời gian di chuyển cũng phụ thuộc vào tình trạng thời tiết. Đôi lúc, nếu mưa bão, hay biển động quá thì tàu cũng sẽ không chạy. Hướng gió cũng sẽ ảnh hưởng tới thời gian tàu chạy nữa đó. Các bạn nên đặt vé trước ngày đi kẻo hết vé nhé. Đối với giường năm thì các bạn phải đến lấy vé trước một ngày.
Thời điểm: Thời điểm tháng 2,3 là thời điểm du lịch Phú Quý thuận tiện nhất, vì biển rất êm. Bên cạnh đó cũng có phong phú các loại hải sản vì nhiều tàu đi đánh bắt trong dịp này. Còn nếu đến vào tầm tháng 4 dương lịch thì là mùa xoài của Đảo và xoài rất ngon nhé, ngoài ra còn có mãng cầu ta (quả na) nữa.
Chỗ ở: Hiện tại trên đảo cũng đã phát triển nhiều về du lịch nên có rất nhiều nhà nghỉ, homestay các loại cho bạn lựa chọn. Thông tin thì có thể tìm kiếm trên Google cũng ra nhiều.
Các bạn có thể liên hệ với anh Ẩn (hiện là Phó công an xã Ngũ Phụng) theo số điện thoại: 0977074960 để đặt chỗ ở (nhà anh có mở Homestay hoặc tư vấn đặt tàu) hoặc truy cập vào trang Facebook của câu lạc bộ du lịch thanh niên Phú Quý tại đây để xe lịch tàu, đặt vé cũng như hệ để được tư vấn nhiều hơn.