Viết tiếp những bài viết về chuyến đi bụi của mình. Bài trước tôi đang bỏ dở câu chuyện về những ngày ở Quan Sơn, Thanh Hóa. Nơi mà tôi đã có những kỷ niệm rất đáng nhớ với bọn trẻ người Thái trắng ở đây.
Ngồi coi TV một lúc, bọn trẻ rủ tụi tôi đi lên rẫy chơi. Như mọi vùng đất miền cao nơi những dân tộc thiểu số sinh sống. Rẫy của họ thường là ở trên núi và xa nhà. Theo bọn trẻ đi dọc một đoạn trên đường lộ, rồi rẽ vào một lối nhỏ dẫn lên núi. Có những đoạn rất dốc và trơn. Nhưng tụi trẻ thì đã quen với mấy con đường kiểu này, nên tụi nó đi thoăn thoắt. Tôi với đứa bạn bị bỏ lại phía sau, thấy vậy, tụi nhỏ đi chậm, quay lại đi đi đều với tụi tôi. Mặc dù thời gian này trời khá lạnh, nhưng sau một hồi đi bộ lên dốc như vậy thì tôi đã bắt đầu đổ mồ hôi (cơ bản thì người tôi cũng rất dễ đổ mồ hôi).
Đang đi giữa chừng thì có một chú kia đi lên từ đằng sau và bắt kịp tụi tôi. Chú đeo sau lưng một cây súng kíp bắn đạn ghém, để đi bắn chim. Tôi hỏi chuyện chú, chú nói đi săn xa lắm, phải đi qua 2 cái núi, và cũng tùy bữa mà bắn được nhiều hay ít chim. Tôi ngỏ ý mượn cây súng của chú cầm thử. Chú cho tôi mượn với lời dặn là không được đụng vào sợi dây cò ở trên đó. Tôi cầm súng làm bộ ngắm bắn này nọ. Ban đầu tôi vô tình chỉa hướng súng vào người một đứa bé, nó nhảy dựng lên và chạy đi, tôi giật mình vì sự sơ ý của mình và đưa nòng súng đi hướng khác.
Tôi vừa trả lại cây súng cho người chủ nhân của nó, thì từ xa đâu đó vang lại một tiếng nổ rất lớn. Chú nói với tôi đó là tiếng của súng kíp. Chú không ho tôi chụp hình khẩu súng. Có lẽ vì sung kíp bị cấm sử dụng. Chú bước đi tiếp, nhanh chóng thoát khỏi tầm mắt chúng tôi sau những mảng xanh của bụi cây và sự ngoằn ngoèo của con đường. Những con bò đang thong thả gặm cỏ dưới một mảng lớn toàn những cây trúc xanh, mảng rừng trúc này trông như trong mấy phim kiếm hiệp của Trung Quốc có điều là trúc trong phim thì to và cao hơn ở đây nhiều :D.
Lên tới phía đỉnh của cái dốc này là một rẫy lớn củ mì (hay là sắn tùy theo nơi gọi). Một cụ già đang chặt những đoạn tre to để làm cái lán nghỉ. Gần đấy là những đống của mì đã được thu hoạch, chờ gùi xuống núi.
Ở đây cũng là lần đầu tiên tôi được thấy trái của cây củ mì 🙂
Ở đây chơi một lúc, rồi tụi trẻ lại rủ bọn tôi đi tiếp, xuống phía bên kia của con dốc. Đi theo tụi nó, công nhận, đúng là thiếu nhi, tung tăng luôn thôi. Lúc này thì đi thành 2 tốp rồi, mấy thằng con trai thì đi với tôi, phía sau là mấy bé gái đi với nhỏ bạn. Nhìn về phía cuối của con dốc, ở đó có một cái ao, và có 2 thanh niên đang quăng chài để bắt cá ở đó. Trên bờ, là một cái chòi nhỏ, và có một người đang nhóm đống lửa, khói bốc lên nghi ngút.
Xuống tới nơi, người đàn ông trên bờ đang lấy dao cạo vẩy và làm thịt mấy con cả nhỏ nhỏ vừa chài được. Dưới ao, ai người thanh niên đó vẫn tiếp tục việc bắt cá của mình. Một người ở dưới ao, kéo mấy cây tre nằm chìm dưới mặt nước ra khỏi chỗ khác để người kia trên bờ quăng chài. Những cây tre để dưới đó có vẻ như để ngăn người ta quăng chài thì phải, vì khi quăng xuống lưới sẽ mắc vào những cây tre với tua tủa những cành tỏa ra.
Tụi trẻ phải đi về để chiều đó đi học tiếp, tụi tôi cũng về theo vì dự định chiều chạy đi ra cửa khẩu Na Mèo chơi. Mấy người bắt cá chỗ cái hồ đó có mời tụi tôi ở lại ăn, nhưng tôi đành phải từ chối :). Vì có một lý do cộng gộp nữa đó là tôi không ăn được cá :D. (vậy mà đã từng sống ở đảo một tháng đó nha :D)
Tụi nhỏ lại ríu rít chạy nhảy, trên đường đi về, vài đứa trẻ phát hiện trên một cái cây cao có cái tổ chim. Thế là một thằng trong bọn chúng nhanh nhảu, chạy lại cái cây đó, và leo lên thoăn thoát. Mấy đứa ở dưới bảo là thằng đó trèo cây siêu lắm đó. Đúng là siêu thật, cây cao và thẳng đuột mà nó leo lên thoăn thoắt. Tới nơi, nó kêu trong tổ chim có trứng. Bạn tôi bảo, thôi có trứng thì đừng lấy, thế là thằng nhóc tuột xuống rồi chạy lại phía đồng bọn và tiếp tục đi về.
Gần tới đường lộ, tụi nó lại chui qua một cái hàng rào, vào bứt cái thứ trái gì đó, mà lần đầu tiên trong đời tụi tôi thấy được, mà cũng quên mất tên nó luôn rồi. Nó có từng múi từng múi ốp vào nhau, nhai vào thì chua chua, tụi nhỏ bảo hái về chấm muối ăn.
Trong lúc thời gian đi chơi với tụi nhỏ, còn nhớ có một đứa bé đã réo lên với tụi tôi rằng: “hôm nay là ngày vui nhất từ trước đến giờ của của em”. Ừ, vì có lẽ cái vùng hẻo lánh này cũng chẳng nhận được mấy sự quan tâm của nhiều người. Và việc các anh chị thanh niên tới đây để vui chơi với tụi nó cũng chưa từng xảy ra. Nên nó đã nói lên như vậy. Câu nói đã làm tôi suy nghĩ khá nhiều trong vài ngày, và dĩ nhiên là cũng rất vui vì câu nói đó.
Đi cửa khẩu Na Mèo
Chiều đó, tôi với bạn đi cửa khẩu Na Mèo chơi. Nguồn gốc của ý tưởng đi chơi ở cửa khẩu Na Mèo là vì nghe chú Hải nói, ra đo vào ngày cuối tuần, có chợ phiên. Người Lào đi qua bên này cửa khẩu của Việt Nam bày bán đồ, chợ phiên diễn ra cả đêm luôn. Thấy thú vị, nhưng lại không thể ở tới cuối tuần, và cho rằng bình thường thì ở đây cũng buôn bán hàng hóa thế này nọ phong phú. Lên đường đi tiếp về phía Tây. Một con đường ngoằn ngoèo theo những quả núi, có đoạn đã làm xong, nhưng đa phần đường đi đều đang làm, và bụi tung mù mịt.
Tới khu dân cư gần cửa khẩu, bọn tôi mới ngã ngửa ra là chẳng có gì đặc biệt cả, chỉ là một khu dân cư nhỏ, bình thường. Có nhiều mấy cửa hàng bán quần áo này kia, nhưng chẳng có gì đặc sắc và giá cả cũng không phải là rẻ gì cả.
Chạy lại phía cửa khẩu chơi, một chú biên phòng thấy biển số Sài Gòn của xe tôi thì lại bắt chuyện. Rồi nói tụi tôi cứ dừng xe ở đó và đi tham quan chụp hình. Thế là bọn tôi đi vòng vòng thăm thú. Cửa khẩu nằm cạnh một con sông trôi lững lờ. Còn sông mà chú Hải kể là mấy lần chợ phiên, con gái Lào cứ xuống sông đó mà tắm, cho dù trời lạnh thế nào.
Bọn tôi đi qua khỏi cửa khẩu luôn, cũng thấy chẳng ai cấm cản hay hỏi han gì cả 😀 đi bộ lên một khúc thì có cái cột mốc giữa 2 nước.

Xong xuôi hết thì tôi và bạn tôi lên đường trở về. Lặp lại con đường kinh khủng đó nhưng khắc nghiệt hơn vì trời đã về tối và không khí trở nên lạnh hơn nhiều. Dĩ nhiên, hầu hết cung đường này không có đèn. Xe tải, xe ben cũng thường xuyên xuất hiện.
Dừng lại ở một tiệm tạp hóa bên đường, mua cái bánh ngọt ăn lót dạ. Trò chuyện, với cô bán hàng tôi mới biết được rằng ở khu vực này người dân làm đũa tre (đã nhắc trong phần 1)mỗi ngày kiếm được rất nhiều tiền tầm 800 – 1 triệu một ngày??? Nhiều thế thật sao? Nhưng điều đó cũng thật tuyệt vời khi việc trồng tre, thu hoạch và sản xuất này đem ại những ảnh hưởng mang tính tích cực cho cả con người và môi trường nơi đây.
Về tới nhà của chú Hải thì đã rã rời, rửa ráy, dùng cơm tối, hai vợ chồng chú đã đợi cơm chúng tôi. Ngày hôm sau bọn tôi từ biệt cô chú và về lại Sầm Sơn, trên đường đi, bọn tôi ghé thăm Thành nhà Hồ.
Một chuyện buồn…
Khi tôi hỏi thăm lại đứa bạn tôi một số thông tin để viết bài này, thì cũng nhận được tin là một đứa bé trong đám trẻ đã đi với bọn tôi ngày hôm đó đã bị đuối nước, qua đời ngay tại cái ao mà tôi đã kể trong bài viết, nơi mà có hai thanh niên đang đánh cá đấy,..
Cậu bé ngay bên tay phải tôi…