Sớm lạnh ở bản Kor Hing
Dậy từ lúc trời còn mờ sương, nhìn ra phía cửa sổ trong phòng, những bông hoa mận nở trắng chi chít trên cành cây khẳng khiu, đang trĩu nặng xuống vì những giọt sương đọng lại. Trời lạnh, tôi nằm nghe nhạc một hồi nữa rồi xuống phía dưới kiếm đồ ăn sáng. Mà như các bạn đã đọc trong phần trước đó, ở đây chẳng có gì nhiều để ăn, định là cũng ăn mì rồi. Nhưng khi tôi bước vào tiệm tạp hóa, tôi thấy một rổ đồ chiên mà tôi đã nghĩ là gà chiên bột. Mua một miếng với giá 1 nghìn Kíp, sao rẻ thế nhỉ? Lòng tôi hân hoan, phơi phới khi cầm trên tay bữa sáng đó. Nhưng khi cắn vào miếng đầu tiên, tôi cay đắng nhận ra đó không phải gà, không phải. Đó là Chuối chiên :(. Chuối không được ngọt như tôi thường ăn ở Việt Nam, mà có vị chát chát nữa chứ.
Nhưng không sao, nghĩ về giá cả thì tôi chấp nhận được điều đó. Sau đó, bà cụ bán chuối, cũng là người cho thuê phòng nghỉ ra đốt củi trên một cái lò đặt bên đường để sưởi ấm. Tôi cũng lại đó ngồi sưởi ké, mấy đứa nhỏ xung quanh đang đùa giỡn cũng tụ tập lại để sưởi ấm cùng. Tiếng củi cháy lách tách, xung quanh sương vẫn đang phủ mờ, tôi và bà cụ nhìn nhau cười, cả hai đều cùng muốn trao đổi với nhau nhưng không có cách nào. Tôi dùng google translate để tìm từ cảm ơn trong tiếng Lào rồi nhờ bà cụ đọc dùm. “Cọp Chai”, đó là từ cảm ơn trong tiếng Lào, tôi nói lại với bà cụ để cảm ơn vì miếng ăn và chỗ ngủ dù là tôi phải bỏ tiền ra để trả. Nhưng những trải nghiệm tại vùng đất yên bình này thì khó mà mua được bằng tiền, cả nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của cụ nữa.’
Lại nói về những người bạn mới, họ đang lục đục ràng đồ lên xe và dắt ra. Người con trai tên Rob, cô gái là Emily, và bạn người Việt Nam là Lisa (tên thân mật). Bọn tôi bàn về kế hoạch đi đường, thì biết họ cũng chưa đi Phonsavan hay Luang Prabang gì cả. Nên cũng đề xuất nhập bọn và đi Phonsavan cùng nhau, thăm cánh đồng chum trước rồi đi Luang Prabang sau. Họ đồng ý và bọn tôi đồng hành!
Bao la mây trắng
Đường đến Phonsavan khá dài, do xe của Rob và Emily có phân khối nhỏ hơn xe tôi và cũng chở nhiều đồ nên họ đi rất chậm. Họ cũng đề nghị tôi cứ chạy trước, không cần phải chờ. Nhưng tôi cũng cố gắng chạy chậm để chờ họ. Nhưng tôi càng bỏ xa họ hơn trong những đoạn lên dốc. Mà dốc thì là đặc sản của vùng đồi núi phía bắc Lào này. Nếu các bạn có dịp chạy xe qua Bắc Lào và đi theo cung đường này vào mùa lạnh như thế này có lẽ sẽ không khỏi trầm trồ với biển mây bao la nơi đây. Tôi không biết dùng từ gì để diễn tả sự bao của cảnh mây này. Nó trải rộng ra xa tít tận đường chân trời. Xa xa, nhấp nhô giữa biển mây là những ngọn núi cao nhô lên những đỉnh đầu xanh lá, như là các ốc đảo. Mặt trời trên cao chói lọi nhưng không gay gắt, không khí mát mẻ đầu ngày làm tâm trạng tôi thấy sảng khoái làm sao. Dừng xe ở một xóm nhỏ trên đỉnh con đèo, tôi bước xuống xe đi vòng quanh ngắm cảnh và sẵn chờ những người bạn đồng hành. Mấy cậu nhóc trong xóm đứng đằng xa nhìn những người lạ mặt, khác màu da, đang bước đi trong “lãnh địa” của tụi nó. Tôi bước lại phía một cậu bé, cười với nó, nó cũng cười lại, tôi đưa tay chỉ về phía cái ná thun nó đang cầm trên tay tỏ ý mượn. Nó cũng ngập ngừng một xíu rồi vui vẻ trao cho tay tôi. Nhặt vài cục đá, tôi kéo căng ná bắn vào trong vùng mây trước mặt, thử coi sức mình bắn xa được đến đâu rồi trả lại cho cậu bé.
Có vấn đề gì đó với xe của Rob, khi những đoạn lên dốc, xe của anh ta bị hụt, và tắt máy, không thể khởi động lên lại được cho đến một lúc lâu sau khi máy nguồi bớt. Điều này làm Rob và Emily bị chậm lại rất nhiều. Bọn tôi có ghé sửa ở một tiệm bên đường nhưng hồi lâu sau tình trạng đó lại tiếp diễn.
Tới giữa trưa tôi đói bụng, nhóm Rob đã bị tôi bỏ lại khá xa phía sau, vì xe của họ vẫn trục trặc, tôi ghé vào một tiệm tạp hóa kiếm đồ ăn. Và ở nơi đây, lần đầu tiên, tôi đã biết cách tiết kiệm chi phí tối đa chi phí cho bữa ăn nơi xứ người của mình. Tôi mua một gói mì, giá tầm 2-3 nghìn Kíp tùy loại, sau đó xin họ nước sôi và mượn tô đũa. Người Lào, rất dễ thương, họ luôn tươi cười và giúp đỡ bạn nếu cần, rất thân thiện, mấy lần tôi xin mượn tô và xin nước sôi để ăn mì trong các tiệm tạp hóa kiểu này. Họ đều vui vẻ pha giúp tôi một tô mì nóng hổi. Dĩ nhiên tôi không nói được tiếng Lào, và cô bán tạp hóa cũng không biết tiếng Việt. Tất cả những gì tôi làm là sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Nhưng tác dụng của nó cũng rất hiệu qua đấy chứ 😀
Tới thị trấn Mường Khăm, Rob vô tiệm sửa xe, ban đầu thì họ cũng chưa tìm ra được lỗi, họ cũng sửa vài thứ gì đó rồi đưa xe lại cho Rob. Bọn tôi tiếp tục hành trình về Phonsavan. Nhưng rồi tôi không còn thấy bọn họ theo sau tôi nữa. Đến tối gặp lại tôi mới biết được sau khi lên được được một lúc thì xe của Rob lại bị tiếp tình trạng cũ, và phải quay lại tiệm sửa xe ở Mường Khăm. Vấn đề được tìm ra là do xe không còn một tí nhớt nào. Lisa bảo với tôi là lúc họ đi qua đây từ cửa khẩu Na Mèo, Thanh Hóa, họ có dừng thay nhớt xe ở tiệm của một cậu người Việt Nam bên Lào, để xe lại và đi ăn. Khi quay lại thì anh trai nọ vẫn tính tiền bình thường, nhưng từ lúc đó vấn đề với xe của Rob xảy ra. Và rõ ràng là anh bạn sửa xe kia đã lấy tiền mà không hề đổ vào một giọt nhớt nào.
Thăm cánh đồng Chum, tìm bạn giữa Phonsavan
Tôi tới Phonsavan lúc tầm bốn giờ chiều, đứng chờ nhóm Rob một lúc lâu nhưng mãi không thấy họ đi lên, còn chưa tối, tôi tìm đường đến Cánh Đồng Chum. Có tổng cộng 3 cánh đồng Chum ở tỉnh Xiêng Khoảng, tôi chọn cánh đồng Chum số 1, vì ở gần Phonsavan nhất. Sau tầm 20 phút đường bụi mù thì tôi cũng đã tới nơi. Dừng xe trước nhà điều hành, lúc này đã hết giờ làm việc, nên tôi tìm mãi mới thấy chỗ bán vé ở một góc nhỏ gần đó. Tôi còn gặp một anh cán bộ người Lào ở đây, ảnh bắt chuyện với tôi khi thấy biển số xe Việt Nam, ảnh nói được tiếng Việt khá tốt và cho biết từng sống và học tập tại Tp. HCM. Tôi đã có viết một bài chi tiết về Cánh đồng Chum tại đây.
Tham quan xong tôi chạy về lại Phonsavan, chạy vòng vòng tham quan thị trấn, tôi cố tìm xem những người bạn kia đang ở đâu, vì không có phương tiện gì để liên lạc với nhau. Chạy dọc các tuyến đường, nhìn các quán ăn, thậm chí tôi còn đi vào các ngõ ngách, tìm trong các nhà nghỉ, khách sạn, xem có xe của họ không. Nhưng vẫn không tìm ra được. Một hồi, đói bụng quá, tôi ghé vào một quán cơm của Việt Nam để ăn, tự thưởng cho mình một bữa thịnh soạn sau một ngày dài mệt mỏi trên yên xe.
No nê, tôi lại lên xe chạy dọc đường để tiếp tục tìm những người bạn. Trời không phụ lòng người, tôi đã trông thấy xe họ dựng trước một quán ăn, nhìn vào bên trong, họ đang ngồi ăn cùng với nhau ở một bàn gần cửa. Tôi tấp xe vào và cả bọn đã rất vui mừng khi gặp lại nhau. Đêm đó chúng tôi dạo bộ vòng qanh trung tâm thị trấn, không khí lành lạnh làm cho cuộc dạo bộ thêm thú vị, bọn tôi nói với nhau rất nhiều thứ về Việt Nam và về Mỹ, quê hương của Rob và Emily.
Nắng vàng Phonsavan
Ngày hôm sau tôi dậy sớm, nhóm Rob vẫn chưa dậy, nên tôi đi dạo phố tiếp, và ăn sáng. Phonsavan thật lắm người Việt, nhiều những quán sá bán món Việt, tôi ghé vào ăn một tô bún bò Huế. Thực khách trong quán lúc này cũng đông và nói chuyện với nhau toàn bằng tiếng Việt. Tôi có ngồi nói chuyện với một người gần mình. Anh ta bảo người Việt qua đây làm ăn buôn bán cũng nhiều, đa phần qua đây làm xây dựng và khai thác gỗ. Vụ khai thác gỗ kiểu chính ngạch hay là lậu thì tôi không rõ. Nhưng sẽ có một chi tiết về việc khai thác rừng ở Lào mà tôi sẽ kể cho các bạn nghe trong bài viết về Luang Prabang sau này.
Sau bữa ăn, tôi tiếp tục rảo bước trên con đường thưa thớt xe qua lại. Cả thị trấn lúc này chìm ngập trong nắng vàng của ngày mới. Những chiếc xe như xe lam ở Việt Nam bên này xuất hiện khá nhiều, những ngôi nhà cũng mang dáng dấp kiểu cũ. Khiến nơi đây như một thị trấn của ngày cũ, chưa bắt kịp dòng chảy của thời gian. Không phải những ngôi nhà cao tầng xen kẽ, không phải những dòng xe tấp nập chen chúc, không phải những tiếng còi xe inh ỏi chát chúa, và cũng không đục ngầu bầu không khí với khói bụi của xăng dầu. Nơi đây, yên ắng, nhẹ nhàng, trong lành và nguyên sơ như ngày mới.
Gặp bạn mới ở Phou Khoun
Trưa, tôi tới Phou Khoun, một thị trấn nhỏ nằm ngay ngã 3, là tâm điểm của tam giác Phonsavan – Luang Prabang – Vang Vieng. Những xe khách di chuyển qua lại các địa điểm du lịch trên dừng ở đây cho du khách ăn trưa. Ngay tại cái bùng binh giữa ngã 3, tôi thấy một anh Tây vừa chạy tới đang đứng lóng ngóng. Tôi chủ động lại bắt chuyện làm quen, vì đã thấy gã trên đường đi đến đây, biết đâu thành bạn đồng hành cùng đi Luang Prabang. Gã cũng nhanh chóng nhận ra tôi vì nhớ cái màu xanh của chiếc áo mưa phủ lên ba lo được ràng phía sau xe. Tên của anh ta là Kriss Her, đang trên đường chu du vòng quanh Đông Nam Á. Sau này tôi còn gặp lại Kriss ở Đà Nẵng, nhưng đó là chuyện của vài tháng sau. Tôi rủ Kriss cùng ăn trưa, bọn tôi đi lòng vòng trong chợ gần đó để kiếm đồ ăn. Đó là một khu chợ lụp xụp, bán nhiều loại mặt hàng rau củ và các món nướng. Món nướng là món thường thấy ở Lào để bán cho các du khách, nhất là gà và cá .Miếng gà to hoặc cả một con cá, được kẹp vào giữa thanh tre và nướng lên, mùi thơm phưng phức… Lượn một vòng, rồi bọn tôi lại ra quán ăn ở phía ngoài và gọi hai tô hủ tíu ăn. Đề cập đến việc đồng hành thì tôi mới biết là Kriss đã tới Luang Prabang rồi, sau đó mới đi Phonsavan và giờ đang trên đường đi Vang Viêng. Tôi cũng hỏi Kriss và được chia sẻ về một số kinh nghiệm, địa điểm ở Luang Prabang.
Bọn tôi trả mỗi người 20 nhìn Kip cho tô hủ tíu lỏng bỏng đó, chẳng đầy được cái bụng, và dĩ nhiên như vậy là quá mắc, bởi cả tôi và Kriss đều đã từng ăn tô hủ tíu to hơn với giá chỉ 10, 15 nghìn Kip. Thậm chí Kriss còn nói với tôi rằng hắn ta vào chợ mua một cục xôi to chỉ vài nghìn Kip và có thể để ăn cả ngày trên quãng đường di chuyển. Thế là tôi biết thêm một chiêu nữa bên cạnh chiêu mua mì gói và xin nước sôi trong tiệm tạp hóa của tôi.
Thấy nhớ miền tây ở Xiang Ngeun
Tính tới thời điểm này tôi cũng đã rời rời miền Nam được gần tròn 3 tháng. Nên trong lòng có đôi chút nhớ nhung, và nỗi nhớ ấy lại trào dâng lên khi tôi tới Xiang Ngeun, một thị trấn nhỏ, êm đềm và lặng lẽ, với một con sông chảy qua, màu nước xanh xanh. Những căn nhà cũ kỹ đơn sơ hai bên đường nằm im lìm trong nắng chiều, thấp thoáng đây đó là những bóng dừa. Tất cả những điều đó đều gợi lên cho tôi về miền Nam, cụ thể là miền Tây Nam bộ, nơi gắn liền với những cây xanh và sông nước. Tôi chạy qua một lần, thật chậm để cảm nhận, rồi như chưa đủ, lại quay đầu xe lại thêm vòng nữa, để đong đầy hơn cái cảm giác man mác nhung nhớ mà khung cảnh nơi đây đem lại. Tôi nhớ về những chuyến đi của mình trên dải đất phù sa, khi tôi đi qua vùng Miệt Thứ của Kiên Giang, nằm dọc hai bên bờ con sông, chạy dài xuống vùng U Minh heo hút…
Tôi dừng xe bên ngôi nhà nhỏ, trước sân, có một cô đang ngồi phía sau mâm bánh nhỏ với những chiếc bánh cũng nhỏ nốt. Bánh được làm giống kiểu bánh căn, nhưng không to bằng, và là bánh ngọt, được làm từ bột và nước cốt dừa. Mỗi cặp bánh như vậy có giá 1 nghìn Kip. Tôi cũng chẳng tài nào hỏi được tên của loại bánh này, hoặc có thể cô đã nói ra cho tôi tên của nó, nhưng tôi cũng không biết và cũng không nhớ được. Tôi ăn liền mấy cặp để đỡ đói và nhìn ngắm khung cảnh xung quanh. Đường đến Luang Prabang không còn xa nữa…