HomePhượtĐi bụiNhững ngày ở Quan Sơn, Thanh Hóa - Phần 1

Những ngày ở Quan Sơn, Thanh Hóa – Phần 1

Tới Quan Sơn thì trời cũng đã xế chiều. Đường núi ngoằn ngoèo, và nhiều những ổ gà đã kìm hãm tốc độ lái xe của tôi. Lại cộng thêm việc trời rét và mưa nữa chứ. Dọc đường lên Quan Sơn, người dân làm nứa rất nhiều, và những quả núi ở đây được bao phủ bằng cả rừng nứa. Nứa sẽ được người dân lên rừng chặt về, rồi đưa vào các cơ sở sản xuất thành đũa ăn liền, đóng gói. Các cơ sở sản xuất này cũng nằm bên đường luôn. Khi ra thành phẩm thì thuận tiện đưa lên xe tải để chuyển đi.

Lạnh cóng, và dơ dáy sau chặng đường dài. Tới nhà của cô Vân và chú Hải, cô chú của nhỏ bạn tôi. Hai vợ chồng đều là giáo viên của ngôi trường tiểu học ở ngay phía đối diện nhà. Lúc bọn tôi tới thì hai vợ chồng cô đều đã đi vắng hết rồi. Nên tôi dựng xe trước nhà và đi vòng vòng xung quanh ngó nghiêng. Nơi đây cũng không phải là trung tâm huyện, chỉ là một khu dân cư nhỏ dọc đường quốc lộ. Nên nhà khá thưa thớt. Khu vực miền núi này của Thanh Hóa là nơi sinh sống của người dân tộc Thái, cụ thể là Thái trắng. Sau này khi đi lên Yên Bái thì tôi mới biết thêm tới người Thái đen, và cách phân biệt giữa họ.

Người Thái trắng sẽ để tóc xõa, người Thái đen sẽ búi tóc lên cao

Ngoài những ngôi nhà xây theo kiểu nhà cấp 4 thì cũng có nhiều những ngôi nhà của bà con ở đây xây dựng theo kiểu nhà sàn. Kiểu nhà sàn tương tự như của những người dân tộc ở vùng Tây Nguyên mà ngày xưa tôi đi Mùa Hè Xanh đã thấy. Các trụ nhà bằng cột gỗ tròn. Vách bằng gỗ, mái thì có tôn, và lá cọ (có lẽ vậy). Sàn nhà thì họ dùng cây lồ ô đập dập ra rồi trải phẳng lên các đà gỗ. Đặc điểm của cây lồ ô là có đường kính thân lớn hơn so với các loại tre, nứa, và vỏ không dày. Sử dụng lồ ô làm sàn giúp cho nhà thoáng mát hơn và việc xây dựng cũng nhanh và dễ dàng hơn. Vả lại cũng tiết kiệm hơn nữa. Thời buổi này gỗ đâu ra nhiều, lâm tặc lấy hết rồi còn đâu.

Trước nhà cô có một cây Lê-ki-ma, tôi trèo lên bờ rào tìm coi có trái nào chín không. Cái loại trái này, thấy nó vàng ở trên cây vậy đó, chứ nó chưa chín, bóp vào cứng ngắc. Muốn chín thì bứt đem vào mà ú nó. Còn muốn ăn liền thì đừng tìm trên cây, phải tìm dưới đất đó =)). Trái nào chín nó sẽ rụng xuống đất, cứ lượm lên mà ăn. Nhẹ thì nó còn lành lặn, nặng thì nó dập tét ra. Đừng ăn phần nào dính đất là được :D.

Rồi thì cô chú cũng về, bọn tôi vào nhà, cô nấu nước nóng cho tụi tôi rửa ráy. Nhìn người tụi tôi lúc đó đúng là như con hủi. Bùn đất bắn lên tận đầu gối, mặt mũi thì bụi bám đen sì. Rửa ráy xong xuôi, mâm cơm đã được dọn ra, có món thịt chó nữa, nhưng mà tôi lâu rồi không còn ăn thịt chó nên tôi từ chối. Ăn mấy chén cơm, và làm vài chung rượu với chú. Buổi tối ở đây thì cũng không có gì đặc biệt. Ngồi coi TV, online này nọ rồi đi ngủ thôi.

Ngày mới ở Quan Sơn, Thanh Hóa

Sáng hôm sau cô Vân đi họp ở trên huyện, chú Hải ở nhà, hôm nay chú nấu ăn cho các em học sinh trong trường tiểu học. Tụi tôi qua đó chơi, Có 5 lớp học nhưng hôm đấy chỉ có 2 giáo viên đứng lớp. Bạn tôi sử dụng kinh nghiệm từ thời Mùa hè xanh vào đấy dạy tui nhỏ, cho tụi nó chơi trò chơi. Nhìn nó ngố tàu vậy cũng cũng có khiếu sư phạm phết. Tôi thì ở trong bếp phụ nấu ăn, rồi thì ra ngoài chơi với tụi nhỏ các thứ. Thích nhất là chơi cù với tụi nó. Hồi nhỏ tôi không có nhiều dịp được chơi trò này. Thấy tụi nhỏ vung tay, con cù văng ra rồi quay vòng vòng thật thích mắt. Tôi lại nài nỉ mãi mới được một đứa bé cho mượn để chơi. Nhưng đã chẳng thành công ngay lúc đầu được, quăng ra một cái con cù chạm mặt đất rồi tưng lên rơi xuống chỗ khác vài ba lần rồi nằm im… thật xấu hổ.  Chơi một lúc rồi lại vào bếp để chiên đậu phụ, rán tóp mỡ. Trời lạnh, ngồi cạnh mấy cái bếp củi đang bập bùng thế này thì thật tuyệt. Chỉ là lâu lâu thì chảo dầu nổ póc póc, vài giọt dầu văng ra thì tôi phải nhanh người né “đạn” 😀

thanh-hoa-68

thanh-hoa-64

“Giờ cơm tới rồi!”

Một đứa nhóc được chú Hải “truyền lệnh” cho đi thông báo với các bạn chuẩn bị ăn cơm. Tụi nhỏ từ trong các lớp ùa ra. Nhưng bọn chúng không đi ngay vào phòng ăn đâu. Phân công nhau, nhóm thì soạn chén dĩa, nhóm vào bếp xới cơm, bới vào các tô lớn, nhóm múc canh. Nhóm thì đứng xếp hàng chờ chú Hải múc đồ ăn ra dĩa, rồi dùng hai tay đón lấy, bưng vào phòng ăn.

Xong xuôi đâu đấy, con bạn tôi, chưa cho tụi nhỏ ăn liền, kêu tụi nó chờ cho đông đủ người, bới cơm vào từng chén. Rồi cùng nhau đưa chén lên và hô to: “mời các bạn ăn cơm”. Tụi nhỏ hô một cách khí thế, và cắm đầu vào ăn. Có nhiều đứa nhà ở xa, và đa phần tụi nhỏ ở đây đều không phải nhà khá giả, nên bữa cơm buổi trưa đầy đủ rau thịt như thế này là rất quý với tụi nó. Nhưng đây không phải là điều diễn ra mỗi ngày đến trường của tụi nó. Có được suất ăn này là do chương trình của một tổ chức quốc tế nào đó. Hỗ trợ bữa trưa cho các trường học miền núi, một tuần được 3 bữa, mỗi suất ăn là 12 nghìn đồng.

Tụi nó ăn xong rồi mấy đứa nào gần nhà thì về nghỉ trưa, mấy đứa xa thì qua nhà bạn. Một nhóm trẻ dẫn tụi tôi qua chơi nhà của một đứa gần trường. Một căn nhà sàn mà như tôi đã mô tả ở đầu bài viết. Dân tộc Thái vẫn theo mẫu hệ, nên những việc chính trong nhà thì vẫn là người phụ nữ làm. Người đàn ông thì thường trong tình trạng say xỉn. Thật vậy, từ lúc tôi đi Mùa hè xanh ở Tây Nguyên năm 2010, 2012, đã thấy được điều đó. Và bây giờ cũng vậy, vào trong nhà chơi, coi TV với đám nhỏ, phía góc nhà đằng xa, ông chồng đang say mèm, quấn mình trong tấm chăn màu đỏ điểm xuyến hoa hòe.

thanh-hoa-81

Phần tiếp theo của câu chuyện về những ngày ở Quan Sơn, Thanh Hóa này, tôi sẽ kể trong bài viết tiếp theo. Vì, dù gì,… bài viết này cũng khá dài rồi :).

Hẹn gặp lại!

Samderlust
Samderlust
Là một người yêu thích du lịch bụi, sẽ cảm thấy khó chịu khi cứ mãi ngồi yên một chỗ. Tôi luôn lang thang bất cứ khi nào có thể. Và tôi viết ra những trải nghiệm của mình. Để ghi nhớ lại những năm tháng của tuổi trẻ.
RELATED ARTICLES

3 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular