Trong chuyến đi bụi cuối năm 2015 của mình, lúc chạy qua khu vực Bình – Trị – Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) tôi có ghé thăm nhà một người bạn ở Thị xã Quảng Trị và được dẫn đi tham quan Thánh địa La Vang mà trước đây đã từng được nghe tới.
Tháp chuông La Vang, chứng nhân giữa thánh địa
Nhà thờ La vang đã bị bị bom đạn phá hủy trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Nay chỉ còn lại tháp chuông năm nào. Dù hiện nay có nhiều hạng mục mới đã được xây dựng ở đây và cả một nhà thờ lớn cũng đang được thi công phía sau tháp chuông. Nhưng tháp chuông vẫn là điểm đáng chú ý nhất trong toàn bộ một khu vực rộng lớn này. Đứng sừng sững giữa nền đất từng hứng chịu biết bao nhiêu bom đạn chiến tranh, những viên gạch đỏ phủ lớp rêu phong qua bao tháng ngày.
Phía bên tay trái tháp chuông La Vang là một khu cầu nguyện với rất nhiều ghế đá được xếp thành những hàng ngay ngắn. Giữa 2 hàng ghế đã chừa một lối nhỏ dẫn tới một bức tượng đức mẹ đang bế chúa Giê-su. Đằng sau là một bức tường lớn màu vàng có khắc nổi hình của rất nhiều nhân vật. Trong đó tôi còn thấy một số nhân vật mặc đồ kiểu thời phong kiến. Vì không theo đạo nên tôi cũng không hiểu lắm về nội dung của bức tường này.
Lặng lẽ dòng sông Thạch Hãn…
Trên đường đi thì tôi cũng có chạy ngang qua cầu Thạch Hãn, bắc qua dòng sông cùng tên. Một dòng sông ắn liền với chiến tranh Việt Nam những năm 1970. Trong cuộc chiến nhằm chiếm đóng thành cổ Quảng Trị có biết bao chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh tại vùng đất này, và cũng nhiều, rất nhiều người đã bỏ mình dưới lòng sông Thạch Hãn. Phía bên cạnh cầu có một tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ trong cuộc chiến này. Đưng ở đây, tôi nhớ đến những câu thơ của Lê Bá Dương:
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi hòa sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.
Trước khi lên đường đi Quảng Bình, bạn tôi có dẫn đi ăn món “cháo bột”. Nghe tên là lạ, nên tôi cũng muốn đi ăn thử cho biết. Hóa ra là món này cũng giống kiểu bánh canh cá lóc, nhưng người dân ở miền này gọi là món cháo bột.
Một sớm ở Quảng Bình mưa rả rích…
Tối cùng ngày tôi tới Đồng Hới, Quảng Bình và cũng rời đi vào sáng hôm sau. Vì theo dự tính ban đầu những tỉnh này tôi sẽ ghé thăm lại khi đi về từ miền Bắc.
Sớm hôm ấy, tôi có hẹn bạn cafe, lúc tôi đang đứng chờ bạn ở gần chân cầu Nhật Lệ, một anh Taxi chỉ tay về hướng con sông nói là chạy đi, mưa đang tới kìa. Tôi vội nhìn theo hướng tay anh chỉ, thì thấy một cơn mưa đang đổ xuống từ nền trời xám xịt, và nó đang kéo rất nhanh tới hướng này. Tôi vội chạy xe kiếm một hiên nhà để núp, nhưng vẫn không kịp chạy cho khỏi ướt.
Gần cầu Nhật Lệ có một công viên sát bờ sông, ở đấy cũng có di tích của một nhà thờ đã bị tàn phá bởi chiến tranh. Đó là nhà thờ Tam Hòa (cũ), hiện chỉ còn lại phần tháp chuông giống như ở nhà thờ La Vang vậy.
Có một điều làm tôi nhớ ở Đồng Hới hôm ấy là bữa sáng với món bánh ướt. Tôi chạy vòng vòng khắp phố để kiếm món gì đó ăn sáng, nhưng chẳng biết ăn gì. Rồi thấy một quán bánh ướt trên lề đường, tôi tấp vào, vì bình thường tôi cũng thích ăn bánh ướt. Quán được bày biện với vài bộ bàn ghế, chỗ quầy bán là cô đã đứng tuổi đang thoăn thắn bày bánh cuốn vào đĩa cho khách rồi ướm lên vài lát chả. Sau lưng cô bán hàng là một lối nhỏ dẫn vào nhà, chồng cô ngồi ngày đấy, sắt chả giúp cô. Tôi ấn tượng với người chồng đó, đôi bàn tay gầy guộc, lộ rõ những khớp xương to và mấy đường gân to chạy dài trên đó. Trái ngược với sự thô kệch của đôi bàn tay, những lát chả được chú đấy cắt lại phẳng phiu và mỏng manh đáng kinh ngạc, khiến cho lát chả mềm mại như một miếng lụa. Tưởng chừng nếu tôi đem miếng chả đưa về phía mặt trời thì ánh nắng có thể xuyên qua được (mà thật ra trên miếng chả cũng có vài cái lỗ nên việc đó chả khó gì:D)
Cuối địa phận Quảng Bình, tôi chọn đi lên đèo Ngang. Lúc này đây, trời tiếp tục hứng một trận mưa to khác nữa…