Sáng hôm sau vẫn tồi tệ
Tối đó vì đã quá mệt mỏi nên giấc ngủ đến nhanh và sâu. Sáng thức dậy, tôi vội xuống thăm nom chiếc xe của mình, dĩ nhiên là bánh sau đã xẹp lép. Tôi đề máy xe lên nhằm làm ấm động cơ trong cái tiết trời lạnh lẽo này. Ơ hay, sao bấm đề mãi mà máy không nổ??? Vì xe không có giò đạp, nên chỉ có nước đề, tôi cũng thử mồi đề bằng cách quay bánh sau nhưng không thành công! Hồi sau thì không thể đề được nữa… Rồi, tôi đã hiểu chuyện gì xảy ra, bình ắc-qui xe tôi đã yếu, và giờ đây thì cạn kiệt sau nhiều lần đề máy. Không còn cách gì hơn là tôi đành đẩy xe đi mà không có sự hỗ trợ của động cơ. Mà bạn biết đấy, đường ở Sa Pa toàn là dốc, bánh xe sau xẹp lép… Tôi đẩy muốn hộc hơi mới tới được một tiệm sửa xe. Thay bình Ắc-qui và vá vỏ sau xong, con xe đã ngon lành và ngoan ngoãn vâng lời tôi. Tôi gọi điện cho Mú và hỏi thăm khi nào Mú tới đón, cũng như nhắc lại địa điểm hẹn gặp ở chợ Sa Pa.
Vì còn, sớm nên tôi đi tản bộ để ngó nghiêng vòng quanh Sa Pa, đi ngang qua nhà thờ đá, lúc này vẫn còn chìm khuất sau làn sương mù, đến nỗi, đứng từ phía bên công viên nhìn qua, không thấy rõ được hình thù của nó. Đoạn ngã tư đường Fansipan và Cầu Mây, nhiều người Dao đỏ tụ tập buôn bán trên các lề đường những món hàng thổ cẩm, khăn choàng, vật lưu niệm các thứ. Những món hàng thổ cẩm của họ sặc sỡ đủ màu sắc, làm rực lên cả một góc phố đang nhạt nhòa vì sương phủ. Và sự buôn bán này cũng kéo theo tấp nập những kẻ mua. Nhộn nhịp phố phường
Đường về nhà Bạn Mú – Homestay cùng gia đình người H’mông
Tầm 9h hơn, tôi tới chợ Sa Pa, đợi một lúc thì thấy chồng Mú chở cô cùng hai con, đứa lớn ngồi trước, đứa nhỏ được địu sau lưng. Tôi chạy theo sau xe họ, theo con đường dẫn về bản Tả Van, đúng theo con đường mà tối hôm qua tôi đã đi lúc cuối, nhưng đã quay về khi chưa tới nơi. Đường đi xấu kinh khủng, tới giữa chừng, có một cái ki-ốt nhỏ phía bên phải đường và Barie chắn đường lúc này được mở lên cao. Chồng Mú quay qua nói với tôi rằng khách du lịch đi qua đây phải mua vé. Tôi thì không đi du lịch ở trong này nên thôi, tôi cho xe mình chạy qua luôn chứ không dừng lại mua vé. Về sau, tôi có hỏi thăm các gia đình trong những khu phía sau cái Barie như vậy, họ hoàn toàn không có được cái hỗ trợ gì từ tiền thu vé này, và đường xá thì luôn luôn tệ hại. Quanh Sa Pa có vài con đường như vậy, cũng bị chặn Barie để bắt mua vé, nhưng không có con đường nào là đẹp đẽ cả. Xấu và lởm chởm.
Tới một đoạn ngoặt, chồng Mú dừng xe lại, và chỉ tay về phía bên phải, tôi nhìn theo và thấy cái trường tiểu học mà bạn ấy đã nói với tôi tối hôm qua, ngôi trường mà tôi đã không thể nghe ra được cái tên của nó. Giờ thì tôi, đã đọc được trên tấm bảng hiệu “Trường Tiểu học Thào Hồng Dến”. Địa chỉ chính xác của nhà Mú là thôn Thào Hồng Dến, xã Hàu Thào, Tp. Sa Pa. Có một con đường nhỏ, dốc lên để dẫn tới ngôi trường ấy. Và đó cũng là đường vô nhà Mú. Họ rồ ga chạy lên trước, tôi đi theo sau, đường dốc liên tục, một hòi thì hết đường bê tông, tiếp nối là đường đất, dĩ nhiên, cũng nhỏ và nó lầy lội hơn. Lúc này đây, tôi nhận ra rằng, thật may mắn khi tối qua mình đã không đi lên tới nhà Mú. Phải mất thêm tầm 4 km theo con đường nhỏ ngoằn nghèo trên sườn núi đó thì mới tới được nhà họ. Có những lúc chỉ sơ xảy một xíu là tôi và chiếc xe có thể ngã nhào xuống ruộng ở hai bên đường.
Đậu xe trong một bãi đất trống nhỏ nhỏ, có mái che, bọn tôi đi bộ một đoạn nữa thì mới tới nhà của Mú. Vừa vào trong nhà, tôi liền chạy ngay lại sưởi ấm phía bên lò lửa đang đỏ hực để xua tan cái lạnh. Cùng ở bên lò lửa lúc ấy còn có mấy chú mèo đang nằm sưởi ấm.
Một hồi, sau khi đã bớt lạnh, tôi bắt đầu đi lóng ngóng xem quanh nhà. Đó là một ngôi nhà gỗ, nho nhỏ, trong cả gian chính của nhà chỉ có một cái bóng đèn chữ U để thắp sáng nên hơi tối tăm ẩm thấp. Ngay chỗ bếp lửa, vừa là nơi sưởi ấm, và cũng là bếp nấu ăn của cả nhà. Phía trên ngọn lửa đó, qua khỏi đầu chúng tôi là một giàn sắt treo lửng lơ, gác trên đó là những cái nồi, vài ba trái bắp, đôi khi sẽ có những miếng thịt treo lủng lẳng để hun khói. Phía bên ngoài, mặt sân bằng đất đang nhớp nháp bởi cơn mưa phùn, trên hiên nhà những giọt nước mưa cũng đang nối nhau rơi xuống mặt đất tạo thành những vết lõm nho nhỏ thẳng hàng. Một chú chó cất tiếng sủa khi thấy tôi, một người lạ từ đâu đến, đứng lấp ló trước cửa nhà. Mấy chú gà cục ta cục tác chạy lanh quanh dưới hiên, trước nhà cũng có thêm vài ba căn nhà gỗ khác, màu gỗ không được sơn phủ, trải qua thời gian và chịu đựng mưa nắng đã trở nên màu đen kịt, nằm lặng im trong khung cảnh ma mị của trời mưa phùn, sương mờ mờ, và nền trời xám xịt trông thật ảm đạm.
Trở vào bên trong nhà, tôi đi lại và quan sát kỹ hơn nơi bàn thờ, phần mà tôi đã rất ấn tưởng từ khi mới bước vào. Khắp xung quanh bàn thờ gồm có 3 bậc là những tờ giấy có vẻ như là bùa được dán chi chít. 5 cái lư hương để ở 2 bậc trên cùng cũng đầy ắp những chân nhang. Xen kẽ với những chân nhang đó là những cọng lông gà được cắm tràn ra bên ngoài, rũ xuống, phủ đầy bởi tro. Lớp tro mà qua năm tháng đã trở nên dày đặc, rơi đầy xung quanh để của mấy cái lư hương đó. Phía trên bàn thờ có một bức dán màu xanh, trên đó có các họa tiết hoa văn, và các con thú được phân theo tầng: trên cùng là những con chim đang bay, ở giữa có thể thấy được mấy con ngựa, gà, vịt, và dưới cùng là cá. Ở tầng dưới cùng, trên một cái ghế dài là những dụng cụ hành lễ, gồm: chiêng và dùi, mấy cái sừng trâu đã được cưa làm đôi theo chiều dòng để gieo quẻ âm dương, một loại nhạc cụ khác kiểu giống như chuông tay, sẽ phát ra tiếng kêu khi lắc nó. Tôi rất tò mò về chỗ bàn thờ này nên mới lại hỏi Mú thì được biết mẹ của Mú là một thầy cúng. Hiển nhiên là tôi muốn được một lần chứng kiến lễ cúng của người H’Mông. Nhưng điều đó đã không xảy ra vì đúng hôm tôi cũng chồng Mú đi thăm rẫy, thì ở nhà, mẹ Mú cũng đã đi làm lễ cúng cho một người trong xóm. Tôi chỉ được biết điều đó khi trở về 🙁
3 Giờ đồng leo núi đi thăm rẫy, “được” ăn thịt rừng
Lúc sáng dậy còn không muốn chui ra khỏi chăn vì lạnh ơi là lạnh. Nhưng đã hẹn với chồng Mú là sẽ đi lên rẫy rồi nên cố gắng trườn dậy, chuẩn bị cho một ngày chắc chắn là sẽ mệt mỏi :). Sau một hồi leo núi thì mồ hôi đã nhễ nhại. Cảm giác mà mệt nhưng dừng lại để thở thì còn thấy mệt hơn, nên phải cố gắng mà bước tiếp. Chưa bao giờ thấy con tim mình “thổn thức” như lúc này. Tôi có thể nghe thấy nó thình thịch liên hồi. Con đường bùn nhầy nhụa sau những ngày sương rơi nặng hạt. Từng bước chân bị mút vào bùn, và khi nhấc chân lên thì dường như tôi đã để lại ở đó 1 chút sức lực. Điều đó còn tệ hơn vào những lần bị trượt chân. Leo được 1 tiếng thì ngồi nghỉ, mà khổ cái ngồi 1 chỗ thì lại thấy lạnh. Trái ngược với tôi, chồng Mú bước đi thoăn thoát không tỏ ra chút mệt mỏi, tôi hỏi bạn ấy (bằng tuổi tôi) có đổ mồ hôi không? Câu trả lời là “Chưa ra mồ hôi nữa”. Trời ơi, câu trả lời như đấm thẳng vô mặt tôi vậy. Rất nhiều lần trong lúc leo lên, bạn ấy đã phải hãm tốc độ lại, hoặc đứng chờ tôi theo kịp.
Lúc đang leo lên giữa chừng thì tôi phải há hốc mồm khi nhìn lên thấy một cậu bé đang đi xuống, sau lưng cậu là một gùi to chất đầy những cây củi cao vượt quá khỏi đầu. Cậu bước đi thoăn thoắt xuống, tôi có quay qua hỏi cậu, có mệt không? cậu bảo “không”. Tôi bị đấm vô mặt một cái nữa…
Lên gần tới đỉnh thì cũng đã là quá tầng mây, nên trời nắng hơn và không còn ẩm ướt nữa, nhưng lúc này xung quanh vẫn còn mây mờ bao phủ. Chúng tôi ngồi nghỉ ngơi một chút khi đã lên hết chiều cao của quả núi. Cũng như tôi đã dự đoán trước, đường đến rẫy còn dài lắm, thêm khoảng một tiếng rưỡi đi về phía bên kia của quả núi. Sở dĩ tôi không ngỡ ngàng với việc này là vì mấy năm trước đây, tôi từng đi Mùa Hè Xanh ở Kon Tum, lúc đó tôi đã biết được rằng, từ nhà ra rẫy của bà con dân tộc thiểu số, nó không có như từ nhà ra ruộng của bà con ở đồng bằng. Băng qua một quả núi là còn ít :).
Phần còn lại của quãng đường dễ dàng hơn với tôi, vì là đi xuống. Một đoạn, chồng Mú bảo đôi đứng đợi, bạn ấy phải di xuống sườn núi để kiểm tra bẫy xem có được con gì không. Mới đầu tôi cũng muốn đi xuống theo để coi thế nào, nhưng khi bạn ấy chỉ cho cái vực phía dưới, tôi nghĩ mình nên ngồi đợi thì tốt hơn. Mặc áo khoác vào vì giờ đây đã thấy lạnh trở lại, ngồi trên tảng đá bên đường, mở bài nhạc nghe, ngó nghiêng xung quanh tận hưởng khí trời. Chập, bạn ấy đi lên với chiếc bẫy và một con chim đang đập cánh giãy giụa trong tay. Tới gần, tôi mới thấy đó là một con chim cú mèo con, với chiếc chân đang bị kẹp chặt giữa 2 ngàm bẫy, rướm máu. Chú chim nhỏ trông thật dễ thương, nhìn nó, tôi nghĩ giá mà được trông thấy nó sải cánh bay trên trời, hay giương bộ móng sắc quặp vào thân của một con chuột láo toét nào ấy, rồi bay vút đi, thì sẽ đẹp đến nhường nào. Nhưng, đây là quy luật của rừng núi, mạng sống của sinh vật này, là món ăn của sinh vật khác – ủa, hình như không chỉ ở vùng rừng núi, mà là mọi nơi :D. Trên đường đi tới rẫy của nhà Mú, thì bạn chồng còn thu gom thêm được một chú chim cú mèo, và một con chuột rừng nữa.
Đã đi thì sẽ tới. Rẫy của nhà Mú hiện ra trước mắt tôi với một cái chòi nhỏ được dựng bằng gỗ để canh rẫy, xung quanh là một đàn gà đang quang quác khi thấy chủ tới, và những chú heo béo sệ đang ủn ỉn. Tôi hỏi thì được biết là mùa này thì chẳng có trồng trọt gì cả, việc thăm rẫy này chỉ chủ yếu là để cho gà và lợn ăn thôi. Mở cửa căn chòi nhỏ ra, bước vào trong thì hỗn độn đủ thứ đồ dùng cho việc làm rẫy, có một cái giường với nệm, chăn đầy đủ, một cái kệ với nồi niêu xong chảo và môt bếp củi đầy tro xám. Chồng Mú mở một bao tải, múc vào nồi những hột bắp đỏ rồi đổ vào máng cho lợn, rồi vãi ra đất cho gà ăn. Bọn này có lẽ cũng đã đói lắm rồi, vừa thấy bạn ấy cầm nồi ra thì đã ủn ủn, quác quác bu lại. Một vài con gà bạo dạn tiến lại gần máng ăn của các chú heo bệ vệ, liền bị hù cho một cái, giật mình vỗ cánh bay đi.
Xong xuôi thì bạn ấy nhóm lửa, vo gạo bắc cơm rồi làm thịt 2 con cú mèo, cùng chú chuột đã cứng đờ vì theo bạn ấy nói chắc đã chết được hơn 1 ngày. Nhưng cái lạnh của xứ này đã giữ cho cái xác của chuột kia còn phần nào đó tươi sống. Bữa trưa, chắc bạn cũng đoán ra, là sẽ có món thịt rừng trong đó. Chồng Mú không nấu hết, mà chỉ làm thịt một con chim cú mèo thôi, phần còn lại để đem về cho gia đình nữa chứ :). Nói thật là vì muốn trải nghiệm nên tôi cũng mạnh dạn thử một miếng thịt chim cú mèo. Nhưng không biết là do thịt chim, do đã chết lâu, hay do cách chế biến, mà mùi của nó rất khó chịu. Tôi có gắng nuốt miếng thịt nhỏ xíu mà tôi vừa cho vào mồm rồi không đụng thêm một miếng nào nữa. Ngồi nói chuyện một lúc sau bữa ăn, tôi lên giường ngủ một giấc, tỉnh dậy thì bạn ấy đã đi đâu mất rồi. Tôi đi quanh khu rẫy xem có gì hay ho, một lúc thì chồng Mú xuất với một cây gỗ dài, to vác trên vai. Cây gỗ này được dùng để làm củi cho nhà, nghĩa là bạn ấy sẽ vác nó từ đây về tới nhà đấy. No bụng và tròn giấc, tôi bước đi thoăn thoắt trên đường về, nhưng rồi dần chậm lại khi gần tới lại đỉnh núi. Ô kìa, lạ lùng chưa, chồng Mú, với cây gỗ to tên vai, mà con đi vun vút trước mặt tôi… đây là quả đấm thử 3 trong ngày. Thở hồng hộc khi lên tới đỉnh, tôi và bạn ấy nằm vật ra nghỉ một lúc. Bấy giờ, mặt trời đã nằm qua nửa bên kia của quả núi, và gần chạm vào tầng mây, cảnh sắc lúc này mới tuyệt vời làm sao.
Mây, mây,… thiên đường mây…
Khi tôi đang nằm đó, từng đợt gió thổi qua, mang theo làn mây mờ lạnh mướt, tôi như đang nằm trong chốn bồng lai tiên cảnh. Một xíu sau, tôi phát hiện ra rằng mình đang ở trên một con đường mòn dọc theo sống lưng của quả núi, và đi về phía kia sẽ tới được một cái chóp đỉnh. Tôi đứng dậy, theo lối mòn, đi lại cái đỉnh đó, ban đầu nhịp chân còn nhanh và thấm đẫm niềm hăng hái, nhưng rồi cứ mệt dần mệt dần, tôi phải dừng lại thở vài chặp trước khi đứng trên đỉnh cao mà tôi đã nhắm tới.
Ôi, tôi ước gì tất cả các bạn bè của tôi đang ở đây để thấy được những gì tôi thấy, một sống lưng núi dài chia cắt tầng mây thành 2 phần, lâu lâu, những cơn gió thổi từ bên này qua bên kia, tạo thành một dòng mây uốn cong lên theo con dốc, rồi uốn xuống theo mặt bên kia, hòa vào biển mây bên còn lại. Xa xa phía bên tay trái tôi lúc này, là mặt trời chói chang, không bị che chắn bởi đám mây nào cả, vùng ánh sáng từ quả cầu chói lọi đó tỏa xuống biển mây phía dưới, phản chiếu lên bởi màu trắng toát, khiến cả vùng trở nên lung linh. Phía dưới mặt trời, đỉnh núi Fanxipan, và những đồng minh của nó đâm xuyên qua tầng mây bao la, nhô lên cao, như những ốc đảo xanh ngát giữa đại dương màu trắng.
Bước dọc theo sống lưng đó, nhìn về phía vùng mây đối diện mặt trời, bóng của tôi đổ lên đó, xung quanh bóng là một vòng hào quang. Cứ như bóng của một vị thần vậy hahaha.
Lối về ác nghiệt
Việc đi xuống trở nên tôi tệ hơn vì một phần là dốc đứng, một phần là gì qua khỏi tầng mây kia, thì sương rơi nặng hạt, làm con đường thêm lầy lội, lầy hơn cả lúc đi buổi sáng. Sau một quãng vừa đi xuống vừa phải gồng gắng để không bị trượt chân trên lớp bùn, nhưng cũng không khỏi té vài cái, thì tôi bắt đầu cảm thấy kiệt sức. Có lẽ vì đói, tôi thấy mình đang bị tụt đường huyết khi thấy người cồn cào, và tay bắt đầu run run lẩy bẩy. Đôi chân dường như không còn là của tôi nữa, tôi cố gắng điều khiển nó để đi vào những chỗ đỡ trơn nhất, đặt chân vào những hốc hác nào để tạo thế vững vàng nhất. Có những đoạn quá dốc, quá trơn, tôi không thể bước trên đó được, bạn có đoán được tôi làm gì không?… Tôi ngồi bệt xuống, và trượt bằng mông trên lớp bùn đó. Chồng Mú chui vào trong lùm, chặt cho tôi một đoạn tre để làm gậy, với hy vọng sức của đôi tay sẽ đỡ thêm phần nào cho đôi chân, nhưng rồi cũng chẳng ăn thua, người tôi đã lả đi rồi. Tôi cố gắng, cố gắng, mong sao cho chặng đường nghiệt ngã này sớm kết thúc. Nhưng nó không ngắn như tôi mong đợt một chút nào cả…. Tôi còn ngả thêm nhiều lần nữa, trượt mông trên lớp bùn đó nhiều lần nữa, thì mới về được tới nhà. Chỉ tới khi vô được trong cửa, tôi mới cảm thấy mình được cứu rỗi. Tôi mở ngay gói kẹo mà tôi mua về cho mấy đứa bé trong nhà ăn, bóc vội một viên kẹo và đưa vào mồm, để bù lấy lượng đường đang tụt…
Lúc này người ngợm của tôi dơ không tả nổi, tôi nhờ Mú nấu dùm một nồi nước nóng, và liều mình để đi tắm trong cái giá lạnh của Sa Pa những ngày đông cuối năm này. Còn nhớ khoảng thời gian đó nhiệt độ chỉ còn khoảng 4-6 độ C. Tắm xong, tội mặc hết các loại áo lạnh mang theo, rồi nhảy nhảy như điên để làm ấm người, rồi tiến lại ngọn lửa, ngồi gần nhất có thể để sưởi ấm.
Lúc này, tôi thấy trên giàn bếp, nơi khói từ ngọn lửa phía dưới bốc lên làm đen kịt, có 2 miếng thịt đang treo lủng lắng ở đó. Tôi hỏi thì mới được biết là mẹ của Mú đi cúng cho nhà người ta, được người ta cho hai miếng thịt đó. Trời ơi, tôi tiếc kinh khủng, tại sao phải một trong hai như vậy, tôi không hối tiếc vì đã bỏ cả ngày đi lên rẫy, nhưng tôi vẫn tiếc vì không được chứng kiến một nghi lễ cúng truyền thống độc đáo của người H’Mông. Bữa tối là một tô mì với trứng, cộng thêm một dĩa thịt heo luộc, phần thịt heo mà mẹ Mú được cho. Nhưng vì phần thịt này đa phần là mỡ, nên tôi cũng chẳng ăn được mấy miếng. Có vẻ như người H’Mông ở đây rất thích ăn mỡ, vì ngay cả nấu ăn bình thường, họ cũng cho rất nhiều dầu mỡ vào. Tôi hỏi sao xài nhiều dầu thế, thì họ bảo là, vậy mới ngon :).
Tạm biệt Gia đình Mú
Sáng hôm sau, tôi từ biệt gia đình nhà Mú, để về lại trung tâm Tp Sa Pa. Tôi vẫn chưa vội về lại Hà Nội, mà còn lưu lại Sa Pa thêm vài hôm nữa. Nhưng những ngày đó cũng không có gì đặc biệt lắm ngoại trừ việc tôi với một vài người bạn đi vào bản Tả Phìn và ở homestay dịch vụ (để phân biệt với homestay đúng nghĩa) tại nhà của một anh bạn người Dao đỏ. Nhưng phần này tôi sẽ kể trong bài tiếp theo của hành trình 🙂
P/s: Trong những ngày ở nhà Mú, vì Mú không phải làm dịch vụ, cho khách ở để lấy tiền, mà là vì lòng mến khách thật sự. Vả lại để lên tới nhà của Mú không hề đơn giản như vào Homestay ở bản Tả Van gần đó. Tôi vì cũng muốn tránh sự giúp đỡ của người khác thành một thứ có thể trả ơn bằng tiền (thật là kệch cỡm nếu làm vậy, tôi nghĩ). Mà ở, ăn không của người khác cũng kì. Nên cách làm của tôi là đi chợ mua đồ ăn về cho cả nhà, cũng như mua thêm ít bánh kẹo cho cậu nhóc trong nhà.
[…] phải đi dạo chơi. Mình vẫn còn cái ký ức đói khát giữa rừng già ở Miri hay Sapa năm ấy. Không đùa được đâu, đói thì còn đỡ, tuột đường là mệt […]