Lưu lại Hà Nội được hơn một tuần thì tôi tiếp tục hành trình của mình đi Sapa. Nhưng trước khi tới đó thì tôi cũng muốn ghé qua Đền Hùng ở Phú Thọ, vì cũng không nằm xa trục đường đi lắm. Tôi cũng không biết có địa điểm tham quan nào khác ở Phú Thọ hay không, nhưng Đền Hùng thì tôi đã được biết đền từ hồi còn nhỏ xíu ngồi trên ghế nhà trường. Nên cũng muốn đến để tham quan nơi tưởng niệm những người “đã có công dựng nước”.
Sau bữa sáng bằng một phần bún chả Hà Nội, ở quán nhỏ bên vỉa hè đường Pháo Đài Láng, tôi và chiếc xe của mình rời khỏi Hà Nội chật chội. Trong suốt chuyên đi bụi của mình, đa phần tôi tìm đường đi bằng Google Maps. Để tiện sử dụng các bạn có thể tải bản đồ offline của vùng mà mình sẽ đi vào máy, để khỏi phải phụ thuộc vào wifi hay 3G.
Sau tầm 90 km trên đường, dưới cái nắng chói chang, tôi cũng tới được Đền Hùng. Trước khi tới chỗ mua vé, tôi phải vượt qua thiên la địa võng của những người bán hàng nước ở đó với những lời mời mọc gửi xe và mua nhan, uống nước các thứ. Lách qua khỏi ma trận đó, tôi tới được quầy bán vé, mua vé xong tôi cũng hỏi cô gái trong quầy để xe ngay đó được không? Cô nói được và chỉ cho tôi để lại chỗ dưới gốc cây gần đó cho đỡ nắng.
Những bậc thang ở Đền Hùng, Phú Thọ
Đây, đây là thứ mà tôi nhớ nhất ở Đền Hùng này. Sao không phải là cái khác? Không phải là những ngôi đền, không phải là cảnh rừng, cảnh núi,… Vì để tham quan toàn bộ các đền ở Đền Hùng, bạn phải leo lên những bậc thang, con dốc. Bắt đầu từ lúc bạn gửi xe cho tới khi bạn lên tới đền Thượng, rồi lại đi xuống khu đền giếng… Còn đôi chân tôi thi vẫn hơi ê ẩm một xíu sau lần trekking Ba Vì cách đó không lâu.
Quang cảnh nhìn từ khu vực bán vé là một quãng không gian rộng lớn với những bậc tam cấp uốn lượn vòng theo cái không gian ấy.
Từ chỗ bán vé, đi lên một đoạn sẽ tới cổng chính vào khu vực Đền Hùng. Cổng nổi bật với màu đỏ, hai hình hộ pháp hai bên cổng và những dòng chữ mà tôi cũng không rõ chữ Hán hay chữ Nôm?
Có một điều đặc biệt hôm tôi đến nữa đó là có một cô làm nghề chụp ảnh đứng trước cổng, khoác một chiếc áo phao (kiểu áo chống rét, dày, theo cách gọi của người miền ngoài) màu đỏ, rất đồng bộ với cái cổng to tướng kia. Cô nói bằng giọng đon đả mời tôi chụp hình, kỷ niệm từ xa tới đây thăm Đền Hùng. Dĩ nhiên, là tôi không chụp rồi, nhưng cũng nán lại trò chuyện với cô vài đôi câu.
Qua khỏi “Cổng đỏ” là một lối đi vào lên dốc, rộng tầm 2,3m gì đấy, tôi có xem một số ảnh trên mạng, vào ngày lễ hội, cái lối đi này phủ kín người, phủ cũng chưa đúng lắm, phải là nêm người, không có một khoảng hở giữa người này với người kia luôn. Mà nói đâu xa, cách đây không lâu, vào dịp mùng 10 tháng 3 vừa rồi, trên mạng đã rầm rộ cái clip “đền Hùng thất thủ” ấy. Cả biển người tràn vào trông mà hãi hùng.
Đi trọn một vòng khu Đền Hùng
Đây cũng là một điểm hay, cũng là một điều hơi hơi buồn đối với tôi ở khu Đền Hùng. Hay vì bạn sẽ đi thành nguyên một vòng tham quan luôn, không phải đi lặp lại. Còn điều buồn ư? bạn sẽ sớm biết thôi.
Đi một vòng từ dưới lên các bạn sẽ đi qua Đền Hạ, rồi lên tới chùa Thiên Quang, leo một quãng nữa tới Đền Trung. Cuối cùng, “trên đỉnh vinh quang”, đó là Đền Thượng, cũng là lúc cái mệt đã thấm vào người bạn, nhất là khi bạn phải vác theo một cái ba lô nặng trịch sau lưng nữa.
Ngồi nghỉ ngơi, dạo chơi quanh Đền Thượng, xung quanh đa phần bị các cây cối che khuất hết nên rất ít chỗ để các bạn có thể nhìn ra ngoài, phóng tầm mắt xuống vùng đất mênh mông bên dưới
Đi xuống núi
Tham quan xong đền Thượng thì cũng hết đường để mà leo lên rồi, tôi tiếp tục đi ra phía sau đền, có lối đi khác, dẫn xuống đền Giếng, và đường này cũng đi xuống núi luôn. Đoạn đường này thì mình ấn tượng nhất là có lăng vua Hùng. Bảng thông tin ghi rằng đây là mộ của vua Hùng thứ 6. Trước khi qua đời ông có dặn con cháu là an táng ông ở trên núi để ông có thể nhìn thấy non sông đất nước, và bảo vệ cho người dân.
Lăng Hùng Vương (Hùng Vương lăng) tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (năm 1870) đã cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (năm 1922) trùng tu lại. – Wikipedia
Khu đền Giếng, ở đây có một cái giếng đã được quây rào lại và có mái che phía trên. Bên ngoài có một bảng ghi to và rõ là cấm vứt tiền vào giếng. Nhưng, không khó để các bạn thấy là tiền nằm vương vãi trong ngoài giếng. Người ta phải dùng lưới bịt miệng giếng lại, để tiền khỏi rơi xuống dưới. Tôi cũng không hiểu, người dân làm việc này để làm gì?
Tỏ lòng thành với bề trên? hay có mục đích nào khác. Mà nếu đã lấy tiền ra để đong đếm cái lòng thành như vậy! Sao không vứt vào đấy những đồng tiền mệnh giá lớn cỡ 50 hay 100 nghìn gì đấy. Đằng này chỉ thấy những tờ tiền lẻ không quá 2 nghìn đồng.
Từ đền Giếng, bước xuống tiếp thì sẽ tới tiếp tục đền Âu Cơ và đền Lạc Long Quân. Trong đó, đền Âu cơ thì chỉ mới được xây dựng sau này. Hoàn thành vào cuối năm 2004
Giờ thì hành trình tham quan các ngôi đền ở khu đền Hùng cũng đã kết thúc, nên tôi đi bộ ra chỗ lấy xe. Bạn còn nhớ điều hơi buồn mà tôi nói với bạn lúc đầu bài không?
Nó đây! tôi đi bộ ra tới bên ngoài, thì mới thấy là, từ khúc này đi bộ lại chỗ lấy xe, xa khủng khiếp… Mất cũng ngót nghét gần 20 phút đi bộ nữa, tôi mới lấy được chiếc xe của mình. Rời khỏi đền Hùng, trở lại với con đường đầy nắng và bụi.
Tôi tiếp tục đi về hướng Yên Bái…