Tôi đến với làng chài Phước Thiện một cách rất ngẫu hứng. Sáng ngày 2/9, không phải đi làm. Đang ngồi nhâm nhi ly cafe thì điện thoại rung lên. Một người anh đang ở Đà Nẵng gọi và rủ tôi về quê chơi, không cần phải suy nghĩ nhiều, tôi đồng ý ngay lập tức. Lúc đó đã quá 11h và sẽ xuất phát vào 12h hơn. Rõ ràng, đối với tôi đây là một cơ hội để được trải nghiệm cuộc sống thú vị ở miền quê làng chài.
Làng chài Phước Thiện thuộc huyện Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi, nơi đây dạo trước khá nổi trên các trang báo với tên gọi “làng ung thư” vì nhiều người bị ung thư do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tới Phước Thiện, một làng chài chật chội theo đúng cái nghĩa của từ đó. Nhà cửa san sát, nhiều những con hẻm nhỏ chạy chằng chịt trong cái ma trận làng chài. Nơi đây có hơn 6.000 dân chen chúc trong vùng đất khoảng 3km vuông. Nếu tới đây một mình, không có ai dẫn dắt thì chắc các bạn sẽ bị lạc giữa muôn trùng các con hẻm.
Như nhiều miền quê khác ở khắp Việt Nam, cuộc sống nơi đây thấm đẫm sự bình yên nhưng cũng không kém phần tươi vui. Nụ cười trên môi những gương mặt rám nắng, những đứa nhỏ kéo nhau chạy nhảy tung tăng khắp xóm.
Chiều đó, tôi theo mấy anh bạn nhỏ trong xóm đi ra gành Cây Bàng. Bờ biển xung quanh làng chài Phước Thiện này đa phần là gành đá. Vùng biển nơi đây nước rất trong, lúc tôi ra đây thì thấy dưới đá có rất nhiều những con nhum, nhưng không có đem theo đồ để nạy lên bắt. Lác đác trên gành đó cũng có vài người đang đi bắt ốc. Những con ốc nhỏ xíu xiu, bắt về xào lên rồi ngồi lể ra, cái món ốc mà đòi hỏi một sự kiên trì kha khá khi ăn. Giữa gành đá có một cái hố nước, đủ sâu để tắm, tôi và lũ trẻ lội ra đó để bì bõm, nhưng cũng có những chỗ ngập qua đầu, tôi chẳng dám ra, vì không biết bơi mà. Mà gành đá này cũng có nhiều vỏ hàu bám trên đá nên khi tắm phải mang theo dép để khỏi đứt chân. Khá là không thoải mái cho lắm, ít nhất là đối với tôi 🙂
Nếu bạn nào không cảm thấy thoải mái với việc tắm ở gành đá thì có thể đi ra khỏi làng tầm 2km thì có một bãi biển, với bờ cát dài và mịn. Tha hồ mà tắm. Mấy thanh niên trong làng thường chiều chiều sau khi đá banh xong sẽ ra đây tắm biển rồi mới về.

Tối về là tiết mục ăn nhậu với ông anh và mấy người bạn trong xóm của ảnh. Cá là món không thể thiếu ở làng chài, bên cạnh đó còn có bạch tuộc và ốc. Bạch tuộc ở đây ăn ngon lắm, nướng lên nó không mọng nước như kiểu tôi ăn trong Sài Gòn, nó khô hơn, và ngọt thịt hơn rất nhiều. Ốc thì tươi roi rói, mua từ mấy người mới đi biển về. Quả là một bữa tối tuyệt vời
Ăn nhậu xong thì trời nóng nực quá, gần biển mà lại đứng gió, thế là tôi với một anh bạn mới quen đi bộ ra gành đá để hóng mát.
Nét sống bình dị nơi làng chài Phước Thiện
Sáng hôm sau đi ăn bánh xèo. Xóm chài, cuộc sống bình dị. Cô Ba bán bánh xèo ngồi bên góc bếp, tay liên tục đổ bánh, gập bánh, lấy bánh ra… Mấy chú nhỏ ngồi quây xung quanh trên những chiếc ghế thấp chỉ đủ để cho mông khỏi chạm đất. Chực chờ cô ba vừa để chiếc bánh nóng xuống mâm, là tụi nhỏ nhanh tay phóng đũa vào gắp ngay vô dĩa của mình. Chan nước mắm, vài ba cái lùa đũa thì trên dĩa lại sạch trơn.
Bánh xèo giá chỉ có một nghìn một cái. Ăn mười cái là ứ hự
Buổi trưa, anh Viên, một ngư dân ở gần chỗ tôi ở, rủ qua ăn mực. Con mực nang anh bắt được trong buổi đi chài ban sáng. Anh có một chiếc ghe lớn, sáng nào cũng đi đánh cá. Phải thú thật ra lâu lắm rồi mới được ăn lại món mực nang tươi ngon thế này. Nhớ hồi năm 2014 khi đi đảo Phú Quý thì cũng được thưởng thức món này, nhưng cho tới bây giờ mới có dịp được thưởng thức lại. Ăn mực uống bia no nê xong thì tôi về ngủ trưa.
Anh Viên có rủ tôi sáng mai đi ghe với ảnh. Tôi cũng muốn đi nhưng lo sợ bị say sóng, mà một khi đã lên tàu thì không quay lại được. Chuyến đi bắt đầu lúc 3h sáng cho tới 10h trưa. Và rồi thì tối đó tôi đi chơi với đám bạn tới tận 2h sáng mới về ngủ, nên cũng không đi được luôn…
Tùng tùng, tùng tùng!
Chiều tôi theo chân đội lân nhí đi khắp xóm. Tiếng trống liên hồi, tiếng í ới của lũ nhỏ gây náo động những nơi mà tụi nó đi tới. Đội lân con trắng, con vàng, còn được phụ hoạ bới mấy chú bé mặc đồ Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không, cầm cây gậy như ý khua qua khua lại. Trong khi đội lân chạy tít vào trong nhà người ta để múa, thì mấy đứa khác đứng ngoài đầu hẻm, vây quanh cái trống, ra sức gõ. Bỗng từ đâu có một trinh sát chạy tới, hét lên kêu cả bọn đi tới nhà ông nào đó. Thế là bọn trẻ lũ lượt, kéo nhau chạy đến đó. Có thằng còn lấy trống vác lên vai để chạy cho nhanh, đứa khác thì kéo cái đế trống có mấy bánh xe chạy theo sau. Mồ hôi nhễ nhại
Hết ngày, tôi đi với đám bạn mới quen ra bãi biển ngồi uống nước, chúng nó còn mướn thêm một cái loa di động của mấy người hay đi hát bán kẹo kéo để hát hò nữa. Vang đội cả một vùng biển đêm yên bình luôn. Trong lúc này, thì có một gia đình kia ra đây thả lưới đánh cá gần bờ. Vui lắm, người cha thì lội xuống biển cách bờ tầm 6-8 mét, thả một đoạn lưới dài. Thằng con, nhỏ tầm 6,7 tuổi, thì chạy theo cha nó ở trên bờ, cứ luôn miệng kêu “ba ơi, ba ơi” rồi nói này nói kia, đòi chạy ra chỗ ba nó. Tới một đoạn thì ba nó đi lại gần bờ rồi cõng nó lên, tiếp tục đi ra biển thả lưới tiếp.
Tuổi nhỏ, nhất là con trai, được theo chân ba đi đến những nơi này nơi kia, dù chỉ là gần gần nơi mình ở cũng đều là một điều gì đó rất vui, háo hức.
Kéo lưới lên, được vài con cá, con cua mắc vào, chị vợ và đứa con ở trên bờ gỡ lưới. Người cha lại tiếp tục xuống biển giăng thêm lưới khác.

Làng chài Phước Thiện, đa phần người dân sống bằng nghề biển, nên đi khắp nơi trong làng bạn đều dễ dàng bắt gặp cảnh người dân đang ngồi đan lưới. Với đôi tay điệu nghệ, họ đưa tay đan lưới nhanh đến chóng mặt. Khó lòng mà nhìn theo được đường đưa thoi của họ. Tôi cũng có đề nghị một bác cho thử đan. Nhưng thật sự là khả năng khéo léo của tôi chưa đạt độ có thể đan lưới một cách dễ dàng trong lần đầu. Đan một rồi thì cước rối nhùi, tôi đành bối rối trả lại cho bác.
Thấy tôi đi xung quanh, chụp hình mọi người đan lưới, ai cũng cũng cười, rồi còn nói là chụp thì nhớ đưa lên Facebook nha.
Những ngày này, ở Phước Thiện, trời nóng oi, buổi trưa, nhiều người trong xóm kéo nhau ra một chỗ ngoài gành đá, có các cây dứa biển và vài cay bàng mọc cao che bóng. Ở đây còn có gió biển thổi vào nữa. Mát rượi. Họ mắc võng ở đây nằm nghỉ, trò chuyện, hoặc ngồi đan lưới.
Hết 3 ngày lễ, tôi tạm biệt Phước Thiện, lên đường về lại Đà Nẵng để chuẩn bị tiếp tục cuộc sống mưu sinh. Tạm biệt xóm chài nhỏ nhỏ, tuy chật chội, nhưng lại thênh thang lòng người. Nét yên bình của cuộc sống luôn hiện hữu…