Lão già

Lão đã già lắm rồi, người ta cứ gọi lão là thằng già, có lẽ già quá nên lão cũng chẳng hơi đâu để nhắc lại với người ta tên lão là gì và lão đã bao nhiêu tuổi. Nét mặt lão khắc khổ, hai má hóp vào tưởng chừng như có thể thấy được vết hằn của những chiếc bên trong. Tay lão hằn lên những đường gân xanh sao chạy dài từ khủy tay đến những ngón tay gầy gòm và chai sạn. Dáng người dong dỏng cao, lão bước đi khúm núm, còng lưng xuống như gánh trên vai cái sức nặng của năm tháng cơ hàn mà lão đã trải qua.- Làm ăn kiểu gì vậy thằng già. Đồ ăn hại.Tụi nó lại chửi lão, nếu cách đây khoảng năm, sáu năm gì đó chắc lão đã chửi lại mấy thằng oắt con xấc xược đó. Nhưng giờ lão quen rồi, tuần có bảy ngày thì hết sáu ngày lão phải nghe chửi thế rồi, còn một ngày là chủ nhật thôi, may cho lão là chủ nhật lão được nghỉ ở nhà nên tai lão được yên ổn. Nếu không chắc lão cũng phải điên lên mất vì những lời nói xấc xược và chua nghiệt đó.
Cũng phải thôi, lão già rồi, lão lẩm cẩm, lào làm việc chậm chạm và hay sai sót. Nếu không phải vì gia cảnh của lão, chắc người ta cũng đuổi quách lão đi cho đẹp chuyện.
Lão nhớ cái năm ba mươi, cái tuổi trai tráng sức dài vai rộng. Hai vợ chồng lão có hai sào ruộng. Ngày ngày hai vợ chồng lão cày bừa, kể cũng mệt nhọc thật, nhưng cuối vụ nhìn cánh đồng lúa vàng ươm từng hạt, hai vợ chồng lão lại như quên hết cái khổ cực. Hai sào ruộng ấy nuôi sống cả gia đình lão, có hai thằng con trai đang đi học. Năm lão bốn mươi, vợ lão đổ bệnh, cái thứ đời nó nghiệt là thế, chạy chữa mãi không khỏi bệnh, mấy gốc chuối non sau vườn lão cũng phải bán, đàn gà được mươi con lão cũng bán, đồ đạc trong nhà lão, lão bán tất. Nhìn vào nhà chẳng khác gì cái nhà ma, u ám, tồi tàn, lạnh lẽo. Một năm sau khi bà bệnh, hai sào ruộng nhà lão còn được một sào, một năm nữa còn lại nửa sào, thêm năm nữa gì lão phải đi cày mướn. Khổ mãi thế mà vẫn chưa thấy hết. Bà cụ vẫn cứ bệnh, hai đứa con trai, thằng đầu thì tủi nhục cảnh nghèo, bỏ xứ đi biệt. Thằng thứ hai thì bỏ đi đâu đó làm gì đó mà nó chẳng bao giờ nói với lão, cứ lâu lâu lại gửi về cho lão dăm trăm bạc lo tiền thuốc thang cho mẹ nó. Chừng ba năm sau thì nó cũng biệt tích nốt. Căn nhà năm nào giờ cũng chỉ còn lại cái chòi nhỏ đủ để che mưa che nắng cho hai ông bà. Ấy thế mà bà cụ vẫn chưa hết bệnh….
Hôm nay, về nhà, cầm trên tay mớ rau lão vừa hai dọc đường, vừa bước vào cái chòi lụp sụp, lão bỗng thấy sao mà lạnh lạ thường. Lão sực nhớ là gần Tết rồi, gần Tết năm nào chả lạnh thế này. Lão thở dài, giờ này người ta hẳn đang háo hức đón Tết. Lửa đỏ rực lên, lão đang chuẩn bị nấu cơm, lão chèn thêm mấy cây củi vào lò. Có lẽ tối qua sương lớn quá nên mấy cây củi vẫn còn ướt ướt, khói tỏa ra trắng xóa, lão ho sặc sụa. Lão bắc nồi cơm lên rồi đi lại phía giường, lão ngồi xuống nhẹ nhàng, nhìn bà lão hai mắt nhắm nghiền, miệng bà vẫn mỉm cười. Lão bỗng thấy lòng mình nhẹ nhàng hẳn ra, lâu lắm rồi lão có bà cười đâu, chỉ toàn nhăn nhó vì cái bệnh nó hành hạ. Cái mặt lão cười lên trông khác lạ thật, nét khắc khổ thường ngày tan biến đâu mất, đôi mắt đục của lão trông có phần rạng rỡ hơn. Lão cầm lấy tay bà, mắt lão sững lại, như nhận ra được điều gì đó, mắt lão rưng rưng, hồi lâu lão bật cười ngặt nghẽo, nước mắt lão vừa chợt nhè ra chỗ khóe mắt đã ngưng bặt lại chẳng thể lăn xuống thành dòng. Lão buông tay bà, đi lại góc tủ, lão lấy ra cái gói bột gì ấy, thốc hết vào mồm… Lão nhăn nhăn nhó, gượng ghịu bước lại nằm kế bên bà, chợt lão gồng mình, rên hứ hứ như con chó bị đánh bã, bọt mép lão sùi ra, mắt trợn ngược. Rồi dường như cái khổ của đời lão đã qua hết, lão dịu người xuống, mắt lão nhắm lại, miệng lão cười mỉm. Lão tin rằng lão đã được bên cạnh bà, mãi mãi.
————–

Viết ngày 15 tháng 12 năm 2013 tại Tây Ninh,
Đi lang thang ở chợ Hòa Thành thấy ở một chiếc xe bồn tưới nước, một bác lớn tuổi, tóc đã bạc, do làm việc bất cẩn nên bị một chú trẻ hơn lớn tiếng… và mình đã viết bài này

 

Samderlust
Samderlust
Là một người yêu thích du lịch bụi, sẽ cảm thấy khó chịu khi cứ mãi ngồi yên một chỗ. Tôi luôn lang thang bất cứ khi nào có thể. Và tôi viết ra những trải nghiệm của mình. Để ghi nhớ lại những năm tháng của tuổi trẻ.
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular