Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc, nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Đây là một di tích lịch sử quốc gia cấp từ năm 1962. Năm 2013, khu di tích này được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. – Wikipedia
Tới Khu di tích Lam Kinh, đầu tiên, tôi gửi xe và ghé thăm nhà thờ vua Lê Thái Tổ. Đền này thì chỉ mới được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ 20 thôi. Nhưng qua ngần ấy thời gian, đến nay, đền cũng đã khoác lên mình màu áo rêu phong như cũng đền thờ cổ khác ở Việt Nam. Trước lối vào đền thờ là một cổng tam quan, nằm đối diện với một hồ nước xanh biếc. Lối đi được lát gạch đỏ, loại gạch tàu mà ta vẫn thường thấy ở những nơi ngôi nhà cổ của Việt Nam.
Ngồi đền trải dài theo chiều ngang, được dựng bằng gỗ, lợp ngói đỏ. Xung quanh là những cây xanh che bóng. Đợt này đi thì có vẻ cũng ít khách du lịch. Vì dù gì cũng đang mùa mưa gió.
Bên trong đền, các khu vực điện thờ cũng đều bằng gỗ và được trang trí bằng sơn son thiếp vàng.
Tiến về Lam Kinh
Tham quan đền xong, các bạn có thể để xe ở đó mà đi bộ qua bên khu vực Lam Kinh. Khu này khá rộng, lúc tôi đi thì thấy Ki-ốt bán vé, nhưng không thấy người bán. Nên đi vào luôn, có lẽ vì vẫn đang trong giai đoạn phục dựng lại. Lối vào từ chỗ bán vé đến đoạn rẽ vào Lam Kinh, phía bên tay trái có các bảng thông tin về các anh hùng của khởi nghĩa Lam Sơn. Hình như là 25 người, mình không nhớ rõ lắm
Nhân vật tạo lập Lam Kinh là Lê Thái Tổ. Sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1428) đánh đuổi giặc nhà Minh và lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long), vua Thái Tổ lấy niên hiệu là Thuận Thiên thứ nhất. Đồng thời nhà vua cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh.
Thành điện Lam kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu mặt Nam nhìn ra sông Chu – có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam – Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m. Qua khảo cổ và dấu tích còn lại cho thấy xưa kia ở đây đã từng tồn tại Ngọ môn, sân rồng, chính điện, khu Thái miếu… nguy nga tráng lệ.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng khoảng 30 ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên. – Wikipedia
Thành điện Lam Kinh, đang được phục dựng với quy mô rất hoành tráng. Bạn có thể thấy những cung điện bằng gỗ rất lớn. các chi tiết trạm trỗ rất sắc sảo. Lúc tôi tới đây thì vẫn thấy những người thợ nơi đây đang thi công công trình này, những không đông lắm. Nhìn từ phía trước, phần mái ngói cũng đã gần hoàn thiện.
Bước vào bên trong điện và phía sau, còn rất nhiều chỗ chỉ mới hoàn thiện phần thô. chưa được sơn phủ. Toàn bộ gần như được xây mới dựa theo nền móng và bản vẽ cũ. Vì bom đạn ngày xưa đã tàn phá nơi này. Theo ý kiến cá nhân thì tôi thấy tỉnh Thanh Hóa làm khá tốt việc phục dựng di tích nơi đây.
Phía sau cung điện có rất nhiều đền thờ khác để thờ các đời vua Lê. Sau đó, đi tiếp lên núi phía sau để thăm mộ vua Vua Lê Lợi. Mộ nằm ở một phần đất bằng phẳng trên núi. Trước mộ có 2 tượng voi phục. Tiếp tục đi bộ lên trên núi, tới đỉnh thì cũng có một bàn thờ lớn. Tôi cũng không rõ là thờ ai nữa.
Nằm rải rác trên những quả núi phía sau Cung điện Lam Kinh là nhiều phần lăng mộ khác. Có nhiều hướng rẽ để đi tới. Khu vực này còn được gọi là Sơn Lăng.
Khu vực phía trước cung điện Lam Kinh, có một cái bia gọi là bia Vĩnh Lăng. Kiểu dáng giống các bia tiến sĩ trong Văn Miếu Quốc Tử Giám, một bia đá dựng trên lưng rùa. Nội dung trên bia nói về sự nghiệp, công lao của Vua Lê Lợi, được Nguyễn Trãi soạn. Bia đá được che chở bởi một mái ngói, đỡ bằng các trụ gỗ to.
Các hình ảnh khác về Lam Kinh.