Rời khỏi Đền Hùng, nghỉ đêm ở Nghĩa Lộ
Sau khi rời khỏi Đền Hùng, cũng đã trưa muộn rồi, tôi tiếp tục đi về hướng Yên Bái. Mục đích của cung đường này là đi qua Mù Cang Chải, đèo Ô Quý Hồ rồi vào Sapa luôn. Vì quãng đường như vậy cũng dài, nên tôi quyết định nghỉ đêm ở thị xã Nghĩa Lộ. Đường dài, sông núi hùng vĩ, chặng đường ngày hôm đó kết thúc tầm lúc 5h chiều khi xe đã tới Nghĩa Lộ. Bụng đói, thấy có những hàng bắp luộc, bắp nướng trước cửa ngõ vào thị xã. Tôi ghé vào một trong những hàng bắp đó để ăn lót bụng. Hàng bắp tôi ghé là của hai người phụ nữ dân tộc Thái. Họ là người Thái đen, họ nói như thế khi tôi hỏi, và với sự tò mò của mình, tôi lại thắc mắc thêm tại sao lại là Thái đen, hay còn người thái nào khác. Thì được họ giải thích là có người Thái đen và Thái Trắng. Cách phân biệt của họ đơn giản nhất là người Thái đen búi tóc lên cao, người Thái Trắng để tóc xõa. Ăn một trái bắp nướng, sau khi thấy họ lấy ra trong nồi hấp những khúc mía, thấy lạ lạ, nên tôi cũng mua ăn thử một khúc mía hấp. Ngọt lịm luôn.
Sau một hồi ngồi nghỉ ngơi và trò chuyện, tôi đi vào bên trong thị xã để tìm chỗ nghỉ. Chà, lúc này mới nhớ rằng hôm nay là Noel, người dân tập trung ra đường khá nhiều. Tầm 7,8h tại các nhà thờ, thanh niên, trẻ con, người lớn tấp nập, nhạc xập xình. Chạy vòng quanh ngắm nhìn thị xã vào đêm Noel, trong cái giá rét của gió mùa Đông Bắc, tìm một quán nào đó hay hay để ăn. Tìm mãi chả biết ăn gì, thôi thì ghé vào một quán phở trên con đường nhỏ, tên quán, hình như là “Cây Sung”. Ông chủ quán cũng đã già rồi, nói khá nhiều, mái tóc đã bạc gần hết, để dài trông rất nghệ sĩ. Ông bưng ra cho tôi một tô phở bò sốt vang to cành, nhìn là muốn no rồi. Trong lúc ngồi ăn, cũng có vài khách khác ở quán, chương trình thời sự đang được bật trên TV. Ông chủ quán nói chuyện với một người khách nào đó, nhưng có vẻ như ông đang nói chuyện với tất cả mọi người trong quán vậy. Ông nói về cuộc chiến tranh Việt Nam ngày trước… Mình chỉ nhớ nhất là ổng kể, người ta bắt ông đi bộ đội, được một bữa, ông trốn về nhà, ăn trộm của mẹ một nắm muối, rồi trốn vào rừng ở cho tới ngày giải phóng. Cả quán ai cũng cười vui bởi câu chuyện của ông. Tôi cũng hỏi ông, lúc ra khỏi rừng thì có bị bắt lại không. Có! Ông bị bắt đi cải tạo một thời gian…
Đêm đó, giấc ngủ đến với tôi nhanh chóng vì đã là một ngày chạy xe mệt mỏi.
Đèo Khau Phạ như một thiếu nữ
Sớm hôm sau, trời mưa lất phất, tôi đi bộ ra ngoài tìm đồ ăn sáng. Lúc xuống phía dưới nhà nghỉ thì thấy có một nhóm bạn trẻ đi phượt, tổ chức chương trình từ thiện. Qua hỏi thăm thì tôi biết được họ chuẩn bị làm chương trình trao quà cho trẻ em ở một xã nào đó trên Sapa. Tôi cũng hỏi xin đi chung, bạn có-vẻ-như-là-trưởng-đoàn nói với mình ok, nhưng phải tự lo ăn ngủ vì đoàn đã chốt với địa phương rồi. Điều đó đối với tôi không phải là vấn đề. Nhưng tôi cũng đã không tỏ ý thật sự hào hứng lắm với việc đó. Sau khi đi ăn sáng về thì đoàn họ đã rời khỏi.
Lúc tôi chạy xe được một đoạn thì trời bắt đầu đổ mưa to tầm tã, lạnh, và sương phủ mù mịt. Khi bắt đầu lên đèo Khau Phạ, sương càng dày hơn, khiến cho tầm nhìn chỉ còn được rất ngắn, bật đèn lên để người đi ngược chiều có thể nhìn thấy xe mình, tôi tiếp tục chạy theo những đường cong của nó. Tới một đoạn lưng chừng đèo, tôi thấy một cái tháp cao, như tháp quan sát. Gần đó là vài căn nhà của người dân, cửa ngõ đều đóng kín, không thấy ánh đèn nào từ bên trong hắt ra. Trông heo hút, cô quạnh vô cùng, giữa sự bao trùm của màn sương dày và giá rét. Có lẽ, những người dân ở đây đã đi lên rẫy của họ, thường thì rẫy của người dân tộc miền núi, cách nhà rất xa… Tầm 50m tính từ chân tháp quan sát, có một tấm bảng lớn, nhưng không thể nhìn được rõ chữ trên đó vì màn sương. Phải tiến lại thật gần tôi mới đọc được, và biết rằng đây là nơi nhảy dù. Khu vực này là nơi diễn ra lễ hội dù lượn hàng năm. Tới dịp lễ, các vận động viên nhảy dù sẽ tụ tập về đây để lượn lờ cùng chiếc dù của mình phía trên những cánh ruộng bậc thang đang óng ả mùa lúa chín phía dưới.
Đèo Khau Phạ, được người ta gọi là một trong tứ đại đỉnh đèo. Tôi cũng không biết cái danh xưng ấy ở đâu ra, và vì lý do gì mà gọi nó với tên đó. Đại đỉnh đèo, nghe thật oai phong lẫm liệt. Nhưng, với tôi, tôi lại thấy đèo Khau Phạ như một thiếu nữ. Bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi ví như vậy? Bạn có giờ nghe câu “con gái lúc nắng lúc mưa” chưa? như là trong một bài hát nào đó hồi những năm 90 của Việt Nam ấy. Con đèo Khau Phạ này, cũng vậy, khi tôi đi qua. Nó lúc mưa, lúc nắng. Cái lạnh, cái mưa, nó bám theo tôi suốt cả quãng đường lên dốc. Nhưng khi qua tới bên kia đèo, thì lại nắng chói chang đến độ nghiệt ngã. Khác nhau một trời, một vực…đúng là “tánh kỳ” =)). Đây cũng là lúc tôi tiến vào tới Mù Cang Chải, một địa danh khá nổi tiếng trong mấy năm trở lại đây với hình ảnh của những ruộng bậc thang trùng điệp. Thời điểm tôi tới thì cũng chẳng còn lúa nữa rồi, các cánh đồng đều đã được gặt xong, chỉ còn trơ lại lại những gốc rạ xơ xác, cắm lên trên mặt ruộng sình lầy một màu nâu ảm đạm. Nhưng cái nắng vàng của mặt trời phía trên, lại làm cho không gian quanh đây trở nên lung linh, rạng rỡ hơn phần nào đó. Những đường nắng, xuyên qua các kẽ mây, hắt lên những mái nhà, con đường, những bậc thang khô khốc, những khóm Dã Quỳ lác đác.
Cũng không còn gì đặc biệt ở Mù Cang Chải mùa này, ngoài những cánh đồng trơ trọi mà tôi đã kể, nên tôi cũng không lưu lại đây lâu. Dọc đường đi, những em bé người H’Mông với những chiếc váy màu sặc sỡ, chạy nhảy tung tăng, đùa giỡn sát bên mép đường. Khuôn mặt lem nhem, nhưng đôi mắt đen lúc nào cũng long lanh. Khi tôi chạy tới thì chúng cũng đã dõi theo từ xa và vẫy tay chào, chạy tới gần thì nghe tụi nhỏ reo lên “hello, hello…”, cứ như tôi là người nước ngoài. Mà cũng phải thôi, vì tụi nó có thấy mặt tôi đâu, và chắc bọn trẻ cũng chỉ thường thấy mấy ông tây chạy mô tô đi bụi mới nghĩ tôi cũng thế.
Chia tay Mù Cang Chải không chút luyến lưu, vì nó chẳng được như những tấm hình chói lóa hào quang mà lũ bạn chia sẻ trên Facebook vài tháng trước đó… Nhưng không sao, hành trình còn dài, đất nước vẫn còn nhiều cảnh đẹp mà 🙂