Sống từ bé ở Sài Gòn, quanh năm chỉ có hai mùa mưa nắng, cái khoảng thời gian trời lạnh, à không phải lạnh, mà là mát mẻ, chỉ kéo dài được tầm độ 3 tháng dịp Tết thôi. Cho tới lần đi bụi này, mới biết được thế nào là gió mùa, thế nào là những cơn mưa rét buốt đến tận xương tủy. À, nhưng đó vẫn chưa là gì quá lắm, cho tới khi tôi được thấy Tuyết ở Sa Pa, tuyết ở đây là tuyết, tuyết rơi ấy, không phải một bạn nữ xinh đẹp nào tên Tuyết đâu nhé :D. Đó là khoảng thời tuyệt và khắc nghiệt. Tuyệt vì là lần đầu tiên được thấy tuyết, trên chính mảnh đất Việt Nam này, cảm thấy may mắn vì không phải năm nào cũng có tuyết rơi. Khắc nghiệt vì cái lạnh của nó, cái lạnh dưới 0 độ C và lúc nào cũng chỉ muốn ngồi bên cái bếp lửa, rồi thì những lúc chạy xe mà chỉ thấy bàn tay mình căng cứng, tưởng như các đầu ngón tay sắp nổ tung ra, buốt vô cùng.

Đón tuyết ở Sa PA

Sau một đêm ở Than Uyên, tôi tiếp tục hành trình, con đường từ đây đến Sa Pa tôi đã quen vì mới đi cách đây tầm 1 tháng thôi. Hôm ấy tôi đi sớm, nên trời còn sương mù, lành lạnh, hai bên đường, trên các mảnh ruộng ngập nước, những người nông dân đang cong lưng, cúi người để cấy những cây mạ non vào lòng đất. Chân tay ngâm dầm trong nước lạnh của những ngày giá rét, gieo những mầm xanh và cầu mong vài tháng sau, sẽ có một vụ mùa bội thu, cho gia đình no đủ.  Khi mặt trời lên cao, thì màn sương dưới thấp cũng tan dần và bay bốc hơi lên cao hơn, vờn quanh những đỉnh núi. Nhìn từ xa, đèo O Quý Hồ trông thật lung linh dưới những tia nắng bị chia rẽ bởi mấy đám mây, và mơ hồ phía sau những màn hơi nước màu trắng lượn lờ xung quanh. Cảnh tượng lúc ấy mới tuyệt đẹp làm sao, tôi đã dừng xe lại và nhìn ngắm nó một hồi lâu trước khi tiếp tục lên đường.

Đón tuyết ở Sa PA

Lên tới Sa Pa, tôi chạy thêm tầm 6km nữa về hướng Tp. Lào Cai, lần này tôi lưu lại tại trung tâm Hope Sa Pa, nơi dạy tiếng anh cho các trẻ em vùng núi. Do nơi đây đang tổ chức nấu bánh chưng cho các em ở đây, nên tôi tới tham gia hỗ trợ. Trùng hợp thay, cùng đợt này cũng có một đoàn học sinh của Hàn Quốc tới giao lưu, vui chơi với các trẻ em bản địa.

Giao lưu với đoàn học sinh Hàn Quốc

Đoàn học sinh Hàn Quốc đến trên một chiếc xe 29  chỗ, thân thiện và luôn mỉm cười, họ nhanh chóng phân chia công việc, nhóm thì sơn vẽ tường cho trung tâm, nhóm thì tổ chức trò chơi cho các em thiếu nhi, một nhóm hỗ trợ gói bánh trưng, một vài em khác thì ra phía sau khu vườn của trung tâm để cuốc đất, tìm hiểu công việc đồng áng. Ban đầu tôi hướng dẫn nhóm mấy bạn Hàn cách rửa lá, gói bánh, sau lại xuống cuốc đất chung với nhóm ở đấy. Cuốc đất một hồi, tôi ra đứng nghỉ bên bờ ruộng, tôi đứng nói chuyện với một giáo sư lớn tuổi đi cùng đoàn, về cuộc sống, môi trường ở Seul, chuyện trường lớp của ông. Sau cùng, bọn tôi nói đến chuyện nam bắc Triều Tiên chia cắt, ông nói với tôi rằng đó là một nỗi đau trong lòng mỗi người dân Hàn Quốc, họ luôn mong mỏi một ngày hai miền thống nhất và đoàn kết dân tộc. Nhưng chuyện đó cho tới hiện tại vẫn còn là một khó khăn do những bất đồng về chính trị của hai miền. Một cơn gió thổi tới mang theo hơi lạnh, và sương mù, khiến khu vườn ban nãy còn ngập nắng giờ đã đục ngầu một màu sương trắng. Mọi người ngưng việc và thu dọn đồ trở về trung tâm.

Đón tuyết ở Sa PA

Hôm sau, tôi cùng đoàn Hàn Quốc đi tổ chức giao lưu với các em học sinh tại một điểm trường gần đó. Điểm trưởng tiểu học nằm trên một ngọn đồi cao, với góc nhìn thật đẹp về thung lũng. Bọn tôi phải leo bộ từ phía dưới con đường để lên trường, bê theo các thùng dụng cụ và quà tặng. Một vài trò chơi tập thể được tổ chức để khởi động cho buổi giao lưu trong khi chờ đoàn học sinh Hàn Quốc chuẩn bị. Sau đó,  họ xuất hiện với bộ võ phục Taewondo, trông mạnh mẽ hơn hẳn so với họ mà tôi đã thấy hôm qua. Một tiết mục võ thuật đồng diễn, sau đó là các màn biểu diễn kỹ năng cá nhân, những cú đá, đấm, chặt vào những miếng gỗ nhỏ. Làm những miếng gỗ gãy đôi, kêu răng rắc. Tiếp theo, họ hướng dẫn cho các em học sinh cách đá và đấm trong Taewondo vào những tấm đệm được một người cầm trên tay.

Đón tuyết ở Sa PA

Buổi giao lưu kết thúc với những phần quà được trao tặng cho các bé, những tiếng cười giòn tan của mọi người, những gương mặt rạng rỡ của các bé thiếu nhi vùng cao, những đôi mắt híp lại của các bạn Hàn Quốc khi không giấu được niềm vui của mình.

Đón tuyết ở Sa PA

Chuyện gói bánh chưng

Quay trở lại với việc gói bánh chưng, đối với tôi đây cũng không phải là lần đầu, những cũng chưa phải là nhiều lần tới nỗi tôi thành thục. Việc gói bánh ở đây được nhiều người thực hiện, một vài bạn tình nguyện viên, một vài em thiếu nhi, một vài người dân xung quanh, một vài thầy cô giáo tiểu học,… Chia nhau ra nhiều công đoạn, rửa lá, chẻ lạt, đơm nếp, gói bánh, lấy củi rồi thì nhóm lửa, trực bếp.  Bản thân tôi thì thích công việc nhóm trực bếp hơn, vì ở gần lửa sẽ đỡ lạnh hơn, nhất là những lúc về chiều và tối. Nhưng tôi cũng không lười tới mức đó đâu nhe, cũng gói được mấy chục bánh đấy :D.

Đón tuyết ở Sa PA

Trong những ngày giá buốt và mưa lạnh này, mọi thứ trở nên ảm đạm, nhưng bếp lửa vẫn luôn đỏ, là nơi ấm áp để mọi người tụ tập, nói chuyện với nhau. Và cũng là để nấu những chiếc bánh chưng, đem lại món quà cho các em bé vùng núi nhân dịp tết Nguyên Đán sắp đến.

Đón tuyết ở Sa PA

À, tôi lên đây được 1,2 bữa thì hai anh Phong từ Tà Xùa cũng lên đây hỗ trợ lưu lại đón tuyết. Đợt đó may mắn là hai ông anh đem theo máy ảnh chuyên nghiệp nên tôi cũng có được vài tấm hình bắt mắt :D.

Tuyết rơi ở Sa Pa

Dự báo thời tiết khuya đêm đó sẽ có tuyết, bọn tôi ngồi trông bánh trưng và chờ đợi. Nhưng sự chờ đợi không chỉ đơn điệu đến thế, bọn tôi còn có guitar, có trà, có bánh nữa cơ. Đàn ca một hồi lâu, cũng buồn ngủ rồi, trời đã qua nửa đêm mà vẫn chưa thấy tuyết, một vài người đã lên ngủ, tôi và anh Lee (tên gọi khác của một trong 2 anh Phong kia), ngồi chờ thêm một hồi nữa. Băng đã bắt đầu đóng trên yên xe, trên các lan can gỗ, mái tôn, dấu hiệu đầu tiên đã đến, những những thứ rơi từ trên trời xuống vẫn chỉ là những hạt mưa nhè nhẹ, lạnh mướt. Rồi một hồi, những bông tuyết đầu tiên đã rơi xuống. Cả hai reo ầm lên, những người đang ngủ bên trong đều chạy ùa ra để xem. Bọn tôi hứng trên tay những bông tuyết đầu tiên trong cuộc đời của mình, vui sướng , lao ra ngoài cửa, để xem tuyết rơi rõ hơn, nhảy tưng tưng như những đứa con nít. Một sân nhà gần đấy đã đóng dày lớp băng, bọn tôi gom lại để đắp thành một người tuyết. Vì là lần đầu tiên, nên không đẹp lắm, nhưng vẫn rất vui.

Đón tuyết ở Sa PA
Người Tuyết tiếng Anh là Snowman tôi cố tình làm hình như này là để phân biệt với Snowwoman =))

Sáng hôm sau, tuyết đã rơi trắng khắp nơi, theo lời của những người dân địa phương, bọn tôi nên đi lên đỉnh Sâu Chua để ngắm tuyết vì trên đó cao hơn, và vắng người hơn so với Tp. Sa Pa vốn đã đông đúc bởi khách thập phương. Bọn tôi lên xe, mặc nhiều nhất có thể, thêm cả cái áo mưa nữa để cho ấm hơn, nhưng đôi tay mới là bộ phận chịu nhiều đau đớn nhất. Khi chạy xe, hơi lạnh  len xuyên qua các thớ vải của bao tay, luồn vào các ngón tay bên trong, khiến cho bàn tay cứng đờ ra và đau buốt đến tận xương tủy. Cảm giác không thể cử động để vặn ga được. Mà thật ra cũng không dám chạy nhanh hơn, vì càng nhanh thì càng lạnh. Nhưng đường đi thì dốc, mà chạy chậm nên lắm lúc xe cứ ì ì. Lâu lâu dọc đường có những bụi tre vì tuyết rơi và băng  đè nặng nên rạp xuống, vắt ngang qua đường, bọn tôi phải cúi rạp người xuống xe để tránh.

Đón tuyết ở Sa PA

Ì ạch mãi rồi cũng tới đỉnh, bọn tôi dừng xe, chạy ùa xuống bãi tuyết trắng, chụp vài tấm hình, diễn rất sâu, nhưng sau đó nhận ra mặc trên người một đống đồ thì chụp lên xấu quá. Quyết định cởi mấy cái áo phao, quần bông ra, bọn tôi tiếp tiếp tục chụp hình. Sau khi có được những tấm hình như ý, thì cũng là lúc cái lạnh thấm sâu vào người… Cả đám nhanh chóng kéo nhau chạy vào một nhà của người H’mông gần đó để xin sưởi lửa.  Cảm giác mới tuyệt vời làm sao. Bọn tôi ngồi và trò chuyện với những người trong nhà một lúc, rồi quyết định ra ngoài khám phá tiếp. Bọn tôi rảo bước trên con đường phía bên ngoài. Có vài chiếc xe hơi của du khách cũng lên đây để tham quan. Bọn tôi gặp một tụi nhóc người H’Mông  đang chạy giỡn nô đùa với những bộ quần áo rất “đời thường”, như không hề biết lạnh. Một con thác bên đường, nước đã đóng băng trong khi đang chảy, tạo thành những thạch nhũ trong suốt bám vào đá, vào lá cây. Bọn trẻ leo lên những vách đá, tay trần, cầm vào những mảng thạch nhũ đó và bẽ gãy, rồi tụ lại tranh nhau. Thật đáng nể những cậu nhóc này.

Đón tuyết ở Sa PA

Đón tuyết ở Sa PA

Lúc sau, tuyết càng rơi nặng hơn, có thể cảm nhận từng hạt tuyết rơi trên mặt, đọng thành lớp dày trên mặt đất, bọn tôi cúi xuống vốc vào tay những nắm tuyết và chọi nhau, cả đám chạy toán loạn đến lúc phải thở hộc hộc. Bọn tôi cũng chụp thêm nhiều tấm hình khác trước khi ra về. Vừa tới trung tâm đã ập ngay đến bếp lửa để sưởi ấm… tôi đưa bàn tay đến gần lửa nhất có thể, để đem lại cảm giác cho đôi bàn tay đang cứng đờ, mất cảm giác.

Đón tuyết ở Sa PA

Tôi vẫn còn nhớ lúc đó, đoàn người đổ lên Sa Pa đón tuyết, những hàng dài xe hơi kẹt cứng từ trên trung tâm thành phố Sa Pa đến chỗ của tôi, và còn dài dài nữa về phía Tp. Lào Cai. Nhích từng chút một mới hy vọng lên đến được trung tâm và ngắm tuyết….

Đón tuyết ở Sa PA
Các em nhỏ đang chơi đùa với băng tuyết

Chia tay tuyết trắng

Bọn tôi lưu lại đây cho tới khi mặt trời lên lại, tuyết đã tan, nắng ấm đến…. vì có vậy mới chạy xe được. À, trong bữa đầu ở Tà Xùa, cái camera hành trình của tôi bị rớt xuống nước và không hoạt động được nữa, tưởng như đã hư rồi. Tới nay lúc dọn dẹp lại đồ chuẩn bị đi, tôi mở thử lên thì nó đã hoạt động trở lại. Vui gì đâu. Chia tay nhau, tôi chạy tiếp về hướng Tp. Sơn La để đi Lào. Đường vẫn còn lạnh, trên đèo Ô Quý Hồ, vẫn còn rải rác vài chiếc xe tải chết máy do đợt tuyết vừa rồi. Họ đốt lửa để làm nóng bình xăng, để sưởi ấm, và nấu ăn nữa cơ. Tôi dừng xe lại một bên đường, chạy lại đống lửa gần đấy và xin nhờ sưởi dùm đôi tay. Rồi lại tiếp tục độc hành…

Đón tuyết ở Sa PA
Xong những ngày này, tôi đi Lào, hai anh Phong tiếp tục rong ruổi thêm vài tháng ở miền Bắc nữa

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here