HomePhượtĐi bụiNgày dài đến Cao Bằng - Hùng vĩ thác Bản Giốc

Ngày dài đến Cao Bằng – Hùng vĩ thác Bản Giốc

Tôi bắt đầu hành trình từ Mèo Vạc, Hà Giang. Trong buổi sáng sau khi chinh phục đèo Mã Pì Lèng, trên con đường men theo dòng sông nho quế xanh biếc, tôi hướng xe về Cao Bằng. Vẫn là những con đường vòng vèo theo núi, cả quãng đường tới Tp. Ca bằng chỉ tầm 200km nhưng đã lấy mất của tôi 8 tiếng đồng hồ chạy xe. Bởi vì khúc quanh liên tục, liên tục, vừa trở xe qua khỏi con khúc ngoặt này, đã thấy ngay một khúc ngoặt khác. Ban đầu, đường vẫn còn đẹp, nhưng rồi cũng có những đoạn đường lởm chởm, xình lầy bùn đất. Trên cả một đoạn dài của phần đầu hành trình, đồng hành với tôi là dòng xanh Nho Quế, trôi êm đềm giữa hai bờ cỏ cũng xanh không kém.  Dọc đường đa phần là những cảnh đồi núi, cũng ít những làng mạc. Lâu Lâu, ở sâu trong những thung lũng hay một mỏm cao nào đấy, tôi lại thấy vài ngôi nhà của người dân tộc thiểu số.

Có một đoạn khi đã chiều tà, lúc tôi dừng chân nghỉ bên đường, một cậu bé đi học về đang rảo bước trên đường, tôi liền bắt chuyện với cậu bé. Hỏi thăm xem nhà cậu ở đâu thì cậu liền chỉ tay về phía một xóm nhỏ lác đác nhà phía dưới thung lũng, mờ mờ sau làn sương chiều.

Phượt Cao Bằng Thác Bản Giốc
Trên đường đên Cao Bằng

Chiều buông trên mỏ Thiếc Tĩnh Túc

Khi xe tới thị trấn Tĩnh Túc, thuộc huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, tôi thấy bên đường có một tấm bia lớn để thông tin là mỏ thiếc Cao Bằng từ năm 1956. Ghi nhớ tình hữu nghị Việt Nam và Liên Xô cũ khi họ qua đây giúp đỡ Việt Nam trong công nghiệp khai khoáng. Từ tấm bia này chạy thêm một đoạn nữa sẽ thấy hai bên đường là những khu nhà tập thể cũ kỹ có từ thời ngành công nghiệp khai khoáng ở đây còn đạt mức độ thịnh vượng, hàng ngàn người bao gồm công nhân kỹ sư tới đây để làm việc. Nhưng theo thời gian khi trữ lượng mỏ không còn dồi dào, công việc vơi đi, nhân công cũng dần rời bỏ nơi này để tìm kiếm những cơ hội mới… thị trấn Tĩnh Túc hưng thịnh ngày nào giờ đây trở nên đìu hiu vắng vẻ. Hai dãy nhà tập thể hai bên đường giờ đây chỉ còn một màu cũ kỹ, ảm đảm trong buổi chiều tàn như hoài niệm về những ngày xưa cũ…

Phượt Cao Bằng Thác Bản Giốc

Đến Cao Bằng…

Tới trung tâm thành phố Cao Bằng thì cũng đã tầm 7 giờ đêm, nhìn trên bản đồ vẫn còn cách thác Bản Giốc khá xa, nên tôi cũng dự định chạy thêm một đoạn nữa tìm chỗ nghỉ để hôm sau đi khỏe hơn. Tới một vòng xoay lớn, tôi ghé vào quán nước chè ven đường nơi có vài ba người đàn ông đang ngồi nhâm nhi, trò chuyện. Tôi hỏi thăm liệu đường từ đây lên Bản Giốc thì có thể nghỉ giữa đường ở đâu. Họ nói với tôi có thể nghỉ ngơi Quảng Uyên, nơi này là đoạn gần giữa và có nhiều chỗ để ngủ. Nhưng rồi họ lại nói với tôi là cũng không nên đi làm gì, ngủ lại ở đây một đêm rồi mai đi sớm ổn hơn. Vì tôi là người từ xa tới, lạ nước lạ cái, đường đêm cũng nguy hiểm, xe tải chạy nhiều bởi là tuyến đường chính từ cửa khẩu. Thêm nữa là có thể gặp những người không đàng hoàng, hay bọn lưu manh, vì mấy ảnh nói lâu lâu cũng có mấy vụ chặn đường cướp của cánh tài xế xe tải hay chọi đá vào xe đi đường…

Dĩ nhiên, nghe tới đây thì tôi cũng phải suy nghĩ kỹ về vấn đề này. Đúng như họ nói, tôi chả biết gì về vùng đất này và những nguy hiểm luôn có thể rình rập ở phía trước. Tôi quyết định ở lại đây cho tới sáng hôm sau, những người đàn ông đó mời tôi vào bàn ngồi cùng nhâm nhi chén rượu và trò chuyện. Tôi kể với họ về chặng đường tôi đã chạy ngày hôm nay, về việc tôi đã mất từ sáng đến tối, ngót nghét tầm 8 tiếng đồng hồ chỉ để hoàn thành quãng 200km từ Mèo Vạc đến đây vì đường quá ngoằn nghoèo. Một người trong số bọn họ cười vang hố hố rồi nói với tôi: Ôi trời, đoạn đường ấy thì phải tầm 1211 khúc cua…” Chắc con số cũng chỉ là do người đó nhất thời nghĩ ra để nhấn mạnh về cái sự quanh có của con đường. Vì khả năng uống rượu của tôi cũng có hạn, và cũng đã mệt, nên tôi xin phép chào họ và tìm kiếm chỗ nghỉ ngơi.

Phượt Cao Bằng Thác Bản Giốc

Dạo thác Bản Giốc

Sáng hôm sau, khi trời còn chưa tỏ, tôi đã dậy và chuẩn bị lên đường. Khi qua khỏi thị trấn Quảng Uyên, đường bắt đầu xấu hơn, và có nhiều xe container hơn. Tôi ghé vào một quán bánh cuốn bên lề đường ngồi ăn sáng vì lúc này bao tử đã cồn cào, chợt nhớ hình như tối hôm trước tôi đã không ăn gì. Bánh cuốn ở đây cũng giống như lần tôi ăn ở Hà Giang, có một bát nước súp to, lại còn ăn kèm theo trái móc mật ngâm chua, lần đầu tôi được ăn thứ trái này. Cô bán bánh cuốn còn tự hào nói, ăn thử móc mật đi, ngon lắm, chỉ có vùng này mới có thôi, trong Nam chẳng có đâu. Vị chua chua của trái móc mật làm tăng thêm hương vị cho bữa sáng, tôi đã ăn khá nhiều hôm đó để bù luôn cho bữa tối hôm trước.

Phượt Cao Bằng Thác Bản Giốc
Trái móc mật ngâm chua

Tôi tiếp tục hành trình của mình, đồng hành và đối mặt với hàng chục, hàng trăm những chiếc xe container xuôi ngược. Lâu lâu, tôi lại gặp những lò rèn nằm ven đường, với nhiều những nông cụ như dao, cuốc, cài mẫu được treo phía bên ngoài. Bên trong, các lò than đỏ rực, tiếng búa đập vào đe vang chát chúa. Lúa non trải một thảm xanh dài ra tận chân những quả núi nhấp nhô đằng xa. Dòng xe lớn càng lúc càng đông, cũng là lúc tôi đến gần cửa khẩu, con đường bị thu hẹp lại khi tôi rẽ vào hướng về thác Bản Giốc.

Phượt Cao Bằng Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc

Dịp này chẳng có mấy khách du lịch nên những sạp buôn bán nơi đây vắng tanh, du khách cũng chỉ lác đác. Sau khi mua vé, tôi chạy xe vào sâu bên trong khu vực các quầy bán hàng lưu niệm.  Tiến lại gần thác, tôi bắt đầu say sưa ngắm nghía vẻ đẹp của dòng tháng nơi đây. Phần thác thấp thì đẹp hơn cả, nằm trên ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dòng thác tung trắng xóa, bọt nước văng xa khắp nơi, ấy thế mà khi chạm vào dòng chảy phía dưới thì nhanh chóng hòa thành một thảm nước xanh thẳm.

Phượt Cao Bằng Thác Bản Giốc
Những chiếc bè chở hàng

Phần thác cao nằm hoàn toàn trong lãnh thổ của Việt Nam, có dòng chảy nhỏ hơn và không được hùng vĩ như phần thác thấp. Trên con sông Quây Sơn nơi toàn bộ thác đổ nước về có những chiếc thuyền, bè chở khách tham quan ra giữa dòng đang neo đậu trên bờ. Dễ dàng để nhìn thấy những chiếc thuyền phía bên địa phận Trung Quốc trông đẹp và lộng lẫy hơn. Có một vài chiếc bè nứa đang đậu bên phần Việt Nam, chất những thùng hàng hóa, lâu lâu lại có người chèo đưa sang phía Trung Quốc…

Ngay cạnh bên khu vực của thác bản dốc, trên phần đồi cao, tọa lạc ngôi chùa Phật Tích Trúc Lâm. Từ trên chùa các bạn có thể quan sát toàn bộ khu vực thác Bản Giốc phía bên dưới. Đây cũng là một điểm nhấn du lịch khi bạn tới Cao Bằng.

Về Thái Nguyên

Trên đường trở về từ thác bản Giốc, các bạn có thể ghé qua tham quan động Ngườm Ngao cách đấy không xa. Nhưng do bản thân cũng không đam mê với hang động lắm, và cũng vội trở về Thái Nguyên để gặp người bạn, nên tôi đã không ghé thăm động.

Phần còn lại trong ngày của tôi chỉ là trên yên xe và thưởng ngoạn phong cảnh qua Cao Bằng, Bắc Kạn cho đến Thái Nguyên. Chặng đường dài và quanh co, cộng thêm vài cơn mưa lạnh. Đôi lúc khi lên trên cao của một con đèo nào đó thì tầm nhìn còn bị đám sương mù che phủ. Khi tới thành phố Thái Nguyên thì trời cũng đã tối. Và tôi cũng đã rất bất ngờ về nơi này, vì tôi chưa từng nghĩ là nó lại sầm uất đến thế, khác xa người anh em Bắc Kạn hay Cao Bằng, nơi tôi vừa đi qua. Đường phố đông đúc người qua lại, quán xá tấp nập, thanh niên dạo chơi ngoài đường đều khoác trên mình những chiếc áo dày để giữ ấm cơ thể trong những ngày gió mùa về…

Samderlust
Samderlust
Là một người yêu thích du lịch bụi, sẽ cảm thấy khó chịu khi cứ mãi ngồi yên một chỗ. Tôi luôn lang thang bất cứ khi nào có thể. Và tôi viết ra những trải nghiệm của mình. Để ghi nhớ lại những năm tháng của tuổi trẻ.
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular