Ban đầu tôi dự định sẽ đi thẳng từ Sa Pa qua Hà Giang luôn, nhưng sau một tuần ăn dầm nằm dề, chịu đựng cái giá lạnh ở Sa Pa, tôi lại muốn kiếm một team Phượt nào đó để đi cùng. Thế là tôi lên đường về lại Hà Nội trong một ngày nắng ửng. Trên đường về thì tôi có cuộc gặp gỡ với mấy anh cảnh sát giao thông ở Phú Thọ, và để lại chỗ mấy ảnh 150 nghìn đồng vì chạy quá tốc độ.

Tìm được một nhóm phượt xuất phát từ Hà Nội, hai ngày sau tôi có mặt tại chỗ hẹn lúc 5 giờ sáng để xuất phát. Và cũng không bất ngờ lắm khi mà cả nhóm chỉ có 3 người, tôi và một đôi nọ, vì tối hôm trước bạn lập cung đã gọi thông báo cho tôi. Nói thật chứ, như thế này thì còn ác hơn để tôi đi một mình. Trong suốt hành trình, mình tôi đơn độc, còn họ thì chăm chút cho nhau từng li từng tý, thật phát hờn =)) Trong ngày đầu tiên hành trình của bọn tôi khá dài. Chạy thẳng từ Hà Nội đi lên tới Thành phố Hà Giang. Tầm khoảng hơn 2 giờ chiều gì bọn tôi tới nơi, chụp hình tại cột mốc 0km của Việt Nam. Sau khi ăn xong, thấy cũng còn sớm, mà ở đây thì cũng chẳng có gì thú vị. Nên mấy anh em bảo nhau, thôi thì đi tiếp đến huyện Yên Minh ngủ qua đêm, mai đi cho thong thả.

Phượt Hà Giang
KM số 0

Cổng trời Quản Bạ, ngắm nhìn núi Đôi

Chạy thêm khoảng 50km trên những đoạn đường ngoằn nghèo nằm vắt vẻo trên các sườn núi, bọn tôi đã tới được Cồng trời Quản Bạ. Lúc này trời cũng đã muộn và mây đen vần vũ nên quang cảnh không được lung linh lắm. Để xe ở phía dưới, bọn tôi phải leo lên một cầu thang dài để tới được đỉnh. Vì lúc này cả bọn cũng đã mệt sau một ngày dài chạy xe, nên việc leo cầu thang không mấy thoải mái cho lắm. Trên đỉnh có một vọng lâu để du khách có thể nghỉ chân, ngắm cảnh. Khi đứng trên đỉnh gió thổi khá lớn, tưởng như có thể thôi bay bọn tôi xuống dưới thung lũng kia. Nhìn xa xuống phía dưới sẽ thấy được núi đôi Quản Bạ. Nó chỉ đơn giản là 2 quả núi nằm gần nhau, có kích thước khá tương đồng, và hình dạng bầu bĩnh, tròn trịa như cặp ngực của một thiếu nữ. Phía sau đó còn có những quả núi to hơn, cao hơn, nhưng nhìn lạc lõng và không hút mắt như núi đôi này. Người ta còn trịnh trọng làm một dòng chữ to “núi đôi Quản Bạ” ngay phía trước hai quả núi tròn trịa đó, khi đứng trên cổng trời các bạn vẫn có thể nhìn rõ. Trải rộng phía trước núi đôi là những mảnh ruộng bậc thang, vì cũng vừa vào vụ mới, nên có những mảnh đã xanh màu lúa, có những mảnh thì còn nâu màu đất. Rồi thì xen kẽ là những mái nhà khiến cho bức tranh trước mắt chúng tôi thật sinh động, một sự hòa quyện của thiên nhiên và cuộc sống của con người.

Phượt Hà Giang
Núi Đôi Quản Bạ

Cổng trời Quản Bạ nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 46 km về phía bắc, là cửa ngõ đầu tiên vào công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Cổng trời nằm trên đỉnh cao nhất của con đèo từ Hà Giang lên Quản Bạ, một thời sau cánh cổng đó từng là “vùng đất tự trị của người Mèo” gồm 4 huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh. Năm 1939, người Pháp dựng một cánh cửa khổng lồ bằng gỗ nghiến dày 150cm ở ngay cổng trời, ngày nay cánh cửa đó không còn nữa, thay vào đó là tấm biển đề chữ bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh: Cổng trời Quản Bạ.

Trong đêm đến Yên Minh

Tiếp tục hành trình của mình khi mặt trời đã rời bỏ bầu trời cho màn đêm ngự trị. Bọn tôi pha đèn và lao xe vào trong lòng bóng tối, liên tục rẽ xe men theo những khúc uốn lượn nối tiếp nhau, đặc trưng của vùng đồi núi Tây Bắc. Con đường không phải bằng phẳng, một bên là vách núi, một bên là bờ vực, đôi lúc mặt tiếp xúc với bánh xe của bọn tôi chỉ là lớp đá xanh mới được trải khiến bọn tôi luôn đề cao cảnh giác, đề phòng trượt té.  Và cũng là vì bọn tôi mới đi con đường này lần đầu, vẫn là khách lạ của miền sơn cước.

Tiếng máy xe è è, gầm rú từ phía sau càng lúc càng rõ ràng, một ánh đèn vàng nhờ nhợ bỗng chạy vụt qua mặt bọn tôi, chạy vượt lên phía trước, đó là hai người đàn ông trên hai chiếc xe cà tàng, với một chú heo đang nằm ngoan ngoãn trong rọ được vắt ngang ở yên sau của xe. Họ rõ ràng là người địa phương ở đây hoặc chí ít cũng đã quá quen thuộc con đường này, cộng thêm bản lĩnh của những người con miền núi. Nên chỉ với một lượng ánh sáng tối thiêu có được từ chiếc đèn xe, và kinh nghiệm bản thân mà họ có thể chạy đi vun vút trên con đường mờ mịt đầy uốn lượn này. Bọn tôi còn bắt gặp họ sau vài ngã đoạn cong nữa trước khi bị họ bỏ xa và mất hút trong màn đêm.

Tầm 7h hơn, bọn tôi tới được cổng chào của Thị trấn Yên Minh, và bắt đầu tìm chỗ nghỉ ngơi. Thị trấn Yên Minh không lớn, nhưng cũng không khó để tìm cho mình được chỗ nghỉ ngơi, ngoài những nhà nghỉ, khách sạn, nơi đây cũng có các phòng nhiều giường (dorm) dành cho các bạn muốn tiết kiệm chi phí cho chuyên đi của mình. Giá một giường một đêm tầm 50-70 nghìn đồng.

Từ Yên Minh đến Cột cờ Lũng Cú – Cực Bắc của Tổ Quốc.

Ngày mới tới cùng với nắng ấm, bầu trời quang đãng, thật khác với cái u ám của ngày hôm qua, bọn tôi lên đường với một tâm trạng phấn khởi. Rời khỏi địa phận Yên Minh không bao lâu thì bọn tôi đã bắt đầu choáng ngợp với khung cảnh núi non hùng vĩ của xứ sở này. Những ngọn núi nối nhau trùng trùng điệp điệp lan ra tới tận đường chân trời. Cảm giác như bọn tôi đang bị vây hãm lại bởi những ngọn núi đó, và ở giữa, nơi bọn tôi đang chạy xe, là một bình nguyên  xanh mướt, có một con đường chạy vắt qua một bản nhỏ của người H’Mông. Với kiểu nhà đặc trưng của họ, vách được dựng bằng đất, lộ ra những trụ gỗ, phần mái ngói phía trên có lẽ ngày xưa màu đỏ, nhưng qua thời gian và mưa nắng nên bây giờ  đã rầu rĩ khoác trên mình màu xanh đen cũ kĩ.

Những đứa bé đang ngồi chơi trước hiên nhà hay những đứa mà bọn tôi thấy bên đường khi chạy xe đều vẫy tay chào những lúc bọn tôi chạy xe ngang qua chúng nó. Bọn trẻ nhìn nhỏ xíu, nhem nhuốc, mà đôi mắt thì thật long lanh.

Phượt Hà Giang

Đích đến đầu tiên của bọn tôi trong ngày là Cột Cờ Lũng Cú, điểm cực bắc của Tổ Quốc. Khoảng thời gian đó, lúc còn cách cột cờ tầm hơn 10km thì đường đang được làm, nên rất khó đi. Mặt đường được rải toàn đá xanh lởm chởm, bọn tôi phải men theo một rãnh nhỏ trên mặt đá đã lún xuống do có nhiều xe qua lại để xe khỏi ngã. Điều này làm cho 10km tới cột cờ Lũng Cú trở nên dài đăng đẳng và khó khăn hơn. Khi tới chân cột cờ, bạn có thể gửi xe từ phía dưới chân núi, hoặc chạy xe lên điểm lưng chừng để bắt đầu cuộc đi bộ. Bọn tôi chọn để xe từ dưới chân núi, chỗ chốt bảo vệ và bắt đầu leo bộ lên hết toàn bộ 2 quãng cầu thang tới chân cột cờ.

Phượt Hà Giang
Cột cờ Lũng Cú

Bọn tôi sau khi mua vé xong thì xin gửi lại balo ở trong quầy bán vé để khỏi phải sớm kiệt sức với những bậc thang sắp tới. Chà, mà lúc này thì cũng đã trưa, trời nắng gắt làm bọn tôi mồ hôi nhễ nhại, dừng nghỉ vài bận thì cuối cùng bọn tôi cũng leo tới được chân cột cờ. Nơi đây thì gió thổi lồng lộng, gặp thêm khí hậu cũng mát mẻ nên bọn tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Đứng ngắm nghía, chụp vài tấm hình với cột cờ và tấm bia đá. Bọn tôi bắt đầu đi vào trong thân cột cờ để leo lên trên.  Khi lên tới đỉnh cột cờ, gió càng lớn hơn, lá cờ phía trên đầu cứ bay phần phật trong gió.  Có một khoảng khi trời lộng gió, lá cờ rũ xuống, tôi với cậu em đi chung nhanh nhảu mỗi người cầm lấy một đầu cờ để chụp hình, mà trong lòng cứ lo sợ, lỡ mà có cơn gió lớn thổi tới, thì lá cờ sẽ bay lên kéo theo tụi tôi. Đứng trên này, có thể nhìn thấy khung cảnh bao la, hùng vĩ  núi non, xen kẻ những mảnh ruộng bậc thang xanh mướt đầu mùa. Nhìn qua được nước bạn Trung Quốc, nhưng cũng chỉ toàn là rừng núi thôi, không thấy xóm làng nào cả.

Phượt Hà Giang

Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887. Những năm sau đó như 1992, 2000 và đặc biệt năm 2002 cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian, trong đó năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích rộng 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.

Từ  thời Tây Sơn sau khi đại thắng quân xâm lược phương Bắc, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng H’Mông là Long Cổ, tức trống của vua, và người H’Mông tại nơi đây hầu như đều biết đánh trống đồng. – Wikipedia

Rời khỏi khu vực cột cờ Lũng Cú, bọn tôi rẽ theo một con đường nhỏ xíu kế bên đó để tìm tới cột mốc 428. Theo bảng chỉ dẫn chỉ cách xa 2km. Con đường nhỏ chỉ rộng hơn tầm 1m, ngay trên sườn núi, một bên là vực, rất nguy hiểm. Chạy một hồi dài, tới khoảng đất rộng hơn, bọn tôi dừng xe vì quãng đường tiếp theo nhỏ xíu và sát mép vực, nhìn mãi không thấy cột mốc đâu. Bọn tôi quyết định quay ra vì không muốn liều mạng đi tiếp lối đi nhỏ hẹp đó, mà cũng không mạnh dạn để xe lại mà đi bộ vào.

Nhà họ Vương – ăn bánh Tam Giác Mạch.

Tới thăm nhà họ Vương trước khi đến Đồng Văn, căn nhà này là của ông Vương Đức Chính vua Mèo ngày xưa, hay còn  gọi là vua H’mông.  Ngôi nhà gây ấn tượng với kiến trúc rất đẹp, và lung linh trong nắng, khi vào bên trong lên tầng trên, nhìn ra những mái ngói, tôi cảm thấy như đang xem trong những bộ phim cổ trang của Trung Quốc.

Phượt Hà Giang
Nhà Họ Vương trong nắng

Trước khi khởi công xây dựng, vua Mèo Vương Đức Chính đã sang Trung Quốc tìm thầy phong thủy sang Việt Nam đi qua khu vực 4 huyện nằm trong quyền cai quản của mình để chọn địa thế đất. Cuối cùng, Vương Đức Chính và thầy quyết định dừng chân tại thôn Xà Phìn, địa thế đất nằm giữa thung lũng Sà Phìn. Đặc biệt, ở nơi đây có một khối đất nổi lên cao như hình mui con rùa, tượng trưng cho thần kim quy. Nếu xây dựng dinh thự tại đây thì sự nghiệp của Vương Chính Đức sẽ thành về sau.

Dinh thự vua Mèo có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp, do một người thợ quê gốc Nam Định thiết kế. Ngôi nhà có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, được chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh có 64 buồng được xây 2 tầng tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung. Lối dẫn vào nhà được làm bằng những phiến đá hoa cương có chạm khắc nhiều hoa văn, mái nhà cong, uống lượn, mái cổng được làm bằng gỗ lợp ngói âm dương, trạm khắc tinh xảo, nhiều hoa văn. – Wikipedia

Phía trước nhà của vua Mèo, có nhiều hàng quán bán các món quà lưu niệm, quả óc chó rừng, hạt dẻ,… và đặc biệt là bánh tam giác mạch. Bánh tam giác mạch được làm từ hạt của loại cây cùng tên. Và hàng năm khi hoa Tam Giác Mạch nở thì từ khắp nơi trên đất nước, du khách đều rủ nhau đến Hà Giang để đắm chìm trong vẻ đẹp của những cánh đồng hoa Tam Giác Mạch đó. Thời điểm tôi đi thì đã qua mùa hoa, chỉ còn lác đác vài khóm dọc đường. Nhưng bản thân tôi thì cũng không đam mê cảnh sắc đó lắm nên không sao, tôi vẫn tận hưởng cảnh hùng vĩ núi non nơi đây.

Phượt Hà Giang

Đến thăm phố cổ Đồng Văn

Tầm 3,4 giờ chiều bọn tôi tới Đồng Văn, việc đầu tiên làm là phải kiếm đồ ăn vì đói lã mất rồi, chạy vòng vòng khắp thị trấn, cuối cùng bọn tôi rẽ vào khu chợ trung tâm ở đây. Chợ về chiều đã vắng bớt những gian hàng, chỉ còn những quán bún phở trong những ki-ốt nhỏ nằm ở vòng ngoài của chợ. Bọn tôi vào một quán mỗi người làm một bát phở no kềnh bụng sau đó thì dạo quanh chợ để ăn vặt vài món bánh của người địa phương. Lúc đang ngồi ăn bánh bên cạnh một cái chảo dầu đang sôi sùng sục, tỏa hơi nóng hực, thì phía xa xa nơi góc chợ, có tiếng la hét và đám đông đang tụ tập. Cô bé trong đám bọn tôi liền chạy lại coi thì biết đó là cảnh tượng một cô vợ đang la ông chồng say rượu của mình, say đến nỗi nằm vật vạ trên nền đất. Cố bé nhanh nhảu chạy lại báo tín và nói chửi chồng là một kiểu “đặc sản” văn hóa ở nơi này.

Phượt Hà Giang

Chiều đó, sau khi tắm rửa xong tôi có một cuộc dạo bộ khám phá xung quanh phố cổ Đồng Văn. Được gọi là phố cổ nhưng cơ sở hạ tầng ở thị trấn Đồng Văn này cũng không còn cổ bao nhiêu nữa, hiện đại hết rồi, nhà cao cửa rộng cũng nhiều. Nếu muốn tìm chút hoài niệm, thì bạn phải đi vào còn đường phố cổ, đoạn từ quán cafe Phố Cổ đi vào bên trong. Đó là một con đường nhỏ, nhưng hai bên đường là rất nhiều những ngôi nhà kiểu cũ của người H’Mông, vách đất, mái ngói, nhiều nhà còn treo lồng đèn rất đẹp. Cũng ở khu vực này có nhiều những nhà ở Homestay theo kiểu phòng Dorm, giá theo mình tìm hiểu thì tầm 70 – 100 nghìn/người/đêm.

Phượt Hà Giang
Nhà số 24

Lúc đi dạo, tôi bị cuốn hút nhất bởi căn nhà cổ số 24 (đường Phố Cổ), bởi được trùng tu nhìn nhất đẹp, vách đất còn nguyên màu vàng nâu, cửa được sơn màu đỏ thăm rất đẹp. Lúc tôi đang đứng say sưa ngắm nghía chụp ảnh, thì bác chủ nhà đang đứng quét sân bắt chuyện với tôi và ngỏ ý mời tôi vào tham quan bên trong nhà. Thì ra nơi này cũng là một chỗ ở Homestay luôn, và chủ nhân của nó, bác Lương Huy Ngò lại là một lương y khá có tiếng với bài thuốc về thận gia truyền. Nếu đến Đồng Văn và muốn tìm ở trong một ngôi nhà kiểu cổ của người H’Mông, các bạn có thể đến ở trọ nhà số 24 này, giá thì mình nhớ là 100 nghìn đồng/đêm.

Thưởng thức món bánh cuốn trứng

Là một món ăn vừa lạ, vừa quen, khác với bình thường bánh cuốn sẽ được ăn với nước mắm, ở đây bán cuốn được ăn kèm với một chén nước súp. Đặc biệt hơn, ngoài những cuốn có nhân thịt, nấm mèo, thì có một cuốn có nhân là trứng bên trong. Trứng được giữ ở mức lòng đào, chứ không chín hẳn, nên phải cẩn thận ăn nếu không muốn nó bị vỡ ra trước khi được đưa vào miệng.

Phượt Hà Giang

Ngất ngây Đèo Mã Pì Lèng, xanh biết dòng Nho Quế

Điểm đến cho buổi sáng hôm sau, một điểm đến không thể bỏ qua khi đến Hà Giang, đó là đèo Mã Pì Lèng. Cung đèo dài khoảng 12 km nối thị trấn Đồng Văn tới Mèo Vạc. Cảnh đèo hùng vĩ vì một bên là núi cao chót vót, một bên là vực sâu thăm thẳm. Và dưới đáy vực ấy, một dải màu xanh biếc chạy dài theo lòng thung lũng, đó chính là dòng sông Nho Quế. Ở đoạn giữa Đèo, có một mô đá phía bên đường, nằm chơi vơi bên vách núi, là nơi mà nhiều khách du lịch không ngại nguy hiểm để leo ra chụp hình.

Phượt Hà Giang

Trong lúc đang  say sưa chụp ảnh và ngắm nghía phong cảnh trên mô đá, có một anh bạn người Iceland cùng vừa tới, và leo ra chụp hình. Hỏi thăm anh thì biết anh đang dạy tiếng Anh ở Trung Quốc rồi đi du lịch.
Mình: It’s easy to earn money and travel that way in Asia.
Ảnh: Yeah, very popular.
Mình: I hope someday I can travel in Europe and teach Vietnamese, hahaha.
Ảnh: maybe someday

Vì hành trình trong ngày còn dài, hai người bạn đồng hành của tôi sẽ thẳng tiến về Hà Nội, nên bọn tôi khởi hành đi Mèo Vạc sau một hồi vãn cảnh. Ngồi uống nước, ăn bánh ở một hàng nước bên đường, trò chuyện linh tinh rồi chúng tôi chia thay nhau, tôi tiếp tục hành trình của mình đi Cao Bằng…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here