Trước khi đi Kota Kinabalu (người ta thường gọi tắt là KK) thuộc bang Sabah của Malaysia, tôi từng nghĩ rằng phía bên đó, và cả Borneo, đa phần là người dân bản địa, các dân tộc thiểu số thôi. Nhưng tới lúc đang ngồi chờ ở sân bay, tôi thấy ngạc nhiên vì xung quanh mình, toàn là người gốc Hoa. Tò mò, tôi hỏi thăm một người cùng chuyến bay, thì biết được rằng, có rất nhiều người Hoa sinh sống ở bên đó. Và rồi tôi đã thấy sự hiện diện của người Hoa khắp nơi trong chuyến hành trình Borneo của mình.
Sau chuyến bay dài hơn 2 tiếng đồng hồ, của hãng hàng không Malindo Airline, chuyến bay dài nhất của tôi tính tới thời điểm hiên tại. Hạ cánh xuống sân bay Kota Kinabalu thì đã là tầm một giờ sáng, tôi uể oải, bước qua các quầy làm thủ tục soi đồ, đóng dấu nhập cảnh lên passport. À, để cho các bạn khỏi thắc mắc, khi các bạn bay từ phía Tây Malaysia qua bên Đông Malaysia, các bạn vẫn phải làm thủ tục xuất nhập cảnh như bình thường, và cũng tương tự khi các bạn di chuyển giữa các bang phía bên Đông Malaysia này
Tất cả đã nằm trong dự định, khi tôi chọn chuyến bay ngay sau giờ làm, để tiết kiệm thời gian, tối đó, tôi ngủ lại trong sân bay Kota Kinabalu. Sau khi đi dạo một vòng quanh sân bay, không lớn lắm, nhưng vắng vẻ vì đã nửa đêm. Tôi chọn cho mình một hàng ghế, thoa kem chống muỗi và đánh một giấc.… chập chờn, vì lạ chỗ, ngủ không ngon được.
Hành trình khám phá Kota Kinabalu Bắt đầu
Hôm sau tôi dậy khi trời còn tờ mờ. Nhớ lại cuộc trò chuyện với anh bạn mới quen ngồi cạnh trên máy bay là hãy đến bãi biển Pantai Tanjung, một bãi biển nổi tiếng nơi đây. Tôi nghĩ. Chà đón bình minh ở bãi biển sẽ tuyệt vời lắm đây. Tôi gọi Uber để đi tới đó, mất tầm 5 phút, nhưng thật sự là đã hơi thất vọng vì bãi biển ở đoạn này nhìn cũng bình thường thôi, cỡ cỡ Vũng Tàu. Thất vọng hơn nữa, bãi biển này quay về hướng Tây, nên nếu muốn ngắm mặt trời, thì phải là hoàng hôn các bạn ạ =)). Chết mất thôi. Tôi cuốc bộ một đoạn dài theo bờ biển cho tới khi bị chặn lại bởi một khu resort lớn. Tôi ra ngoài và bắt xe về trung tâm thành phố.
Điểm đến đầu tiên mà tôi xác định trong ngày hôm đó là cao nguyên Kundasang, được mệnh danh là New Zealand của Malaysia, với các thảm cỏ rộng lớn cùng những chú bò thong thả, rồi thì trang trại trồng những loại rau, cây ăn trái khác. Dò hỏi trong một bến xe nhỏ phía bên đường, với những chiếc xe bus 16 chỗ cũ kỹ, nhỏ xíu, họ cho biết là xe chỉ tới thị trấn Ranau thôi, Kundasang thì cách đó tới hơn chục cây nữa cơ. Tôi lại đâm lưỡng lự, nên chưa quyết định mua vé vội. Tìm một chỗ ăn trước đã. Lúc đang đang ngồi ăn thì nhận được tin nhắn của một anh bạn xa lạ trên group CouchSurfing Kota Kinabalu. Luke, tên anh chàng, tin nhắn hỏi thăm tôi thế nào và kế hoạch trong ngày của tôi. Thật tuyệt vời khi anh ta cũng chuẩn bị đi Kundasang với hai người bạn phương Tây khác được Luke cho ở nhờ, và anh ta cũng hỏi liệu tôi có muốn đi chung với họ. Chà, làm sao mà tôi từ chối được tấm thịnh tình này chứ.
Luke đến đón tôi trên chiếc Honda CRV cứng cáp khi tôi đang đứng tôi anh bên góc đường. Tôi lên xe, lúc này Feza đến từ Bỉ và Alex đến từ Đức đã ngồi sẵn trong xe, bọn tôi chào hỏi làm quen nhau, trò chuyện về những chuyến đi trong khi Luke vẫn đang vững tay lái trên đường đi đến Kundasang.
Upsite down House – Ngôi nhà lộn ngược
Dọc đường đi, như chợt nhớ đến một điều gì, Luke hỏi chúng tôi, có bao giờ thấy một ngôi nhà lộn ngược chưa? Ờ thì chỉ thấy trên mạng thôi, chứ chưa trực tiếp ngắm nghía bao giờ, cả tôi, Feza và Alex đều thế. Luke đề nghị sẽ đưa bọn tôi tới tham quan một ngôi nhà lộn ngược nếu muốn. Bọn tôi đồng ý. Nơi đây là một điểm tham quan thuộc tư nhân, họ xây dựng một ngôi nhà kiểu truyền thống của Malaysia với tất cả các vật dụng bên trong, điêu đặc biệt là mọi thứ đều đảo ngược. Bạn phải mua vé để vào tham quan. Nhưng nếu bạn hỏi tôi có đáng không thì tôi trả lời là không. Giá vé khá cao đối với người ngoại quốc, 20 Rm, nhưng không có gì quá đặc biệt.
Nơi này cấm chụp hình phía bên trong căn nhà, bọn tôi phải đợi cho nhóm tham quan trước đi ra thì mới được vào. Có một cô gái đi theo chúng tôi để thuyết minh về ngôi nhà và các vật dụng, cũng như kiểu thiết kế bên trong. Khi ra khỏi nhà thì bọn tôi đi theo một lối hành lang trược treo lồng đèn và sơn màu đỏ rực rỡ, với một nghi thức có lẽ do họ đề ra, chúng tôi sẽ gõ lên cái cồng phía bên ngoài 3 cái. Thế là tôi, Feza và Alex chia nhau mỗi người gõ một cái.
Bọn tôi ngắm nghía thêm một số công trình phụ phía bên ngoài trước khi ra về, như là một chiếc xe hơi, nhà vệ sinh, và một góc vườn, dĩ nhiên là tất cả đều úp ngược hết
Cao nguyên Kundasang chìm trong Sương mù
Đường tới Kundasang trời dần u ám, những ánh nắng chói chang đầu ngày đã biến mất sau những tảng mây dày đặc, khi tới thị trấn Ranau thì trời lấm tấm mưa, tiếp tục men theo đường một con đường nhỏ dẫn tới cao nguyên Kundasang. Đường càng lên cao thì càng mù mịt. Bọn tôi dừng xe trước một cổng chào, và quyết định xem có nên vào hay không vì xung quanh là sương mù dày đặc. Tầm nhìn có lẽ không quá được 10m, và mưa thì đang rơi xuống từng hạt nhẹ nhàng như trêu tức cả bọn. Ôi, thất vọng tràn trề!!!, những tưởng có thể đứng giữa Kundasang chụp hình và rồi đăng lên Facebook, nói láo rằng đang ở New Zealand để “phỉnh” bọn bạn bè sống ảo của mình. Ôi, biết bao giờ mình mới được đặt chân tới xứ Kiwi “xịn” để ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ, mà giờ đây, khi tới một nơi đẹp na ná như vậy thì ông trời lại đày đọa mình vô cái cảnh này. Thôi thì, đành ngậm ngùi, thua keo này, ta bày keo khác. Trao đổi, nấn ná một hồi, cả bọn quyết định vòng xe lại, và Luke đưa bọn tôi tới khu vực suối nước nóng.
Đi suối nước nóng ở Kinabalu Park
Suối nước nóng nằm trong khuôn viên của rừng quốc gia Kitabalu, một khu vực được công nhận là di sản thế giới bởi UNESCO. Vé vào cổng ở đây là 3RM với người bản địa và 15 RM đối với người ngoại quốc. Lúc này Luke đã tinh vi, khi mua được 2 vé bản địa cho cả anh và tôi, vì người soát vé nhìn ra thì thấy tôi cũng giống người Malay, về màu da và vóc dáng, còn tôi thì chỉ đứng im nhìn bâng quơ chứ chả nói gì. Ngu sao nói :D. Ngoài việc tắm nước nóng, ở đây các bạn trekking vào sâu bên trong rừng rậm. Nơi có một vài địa điểm thú vị cho các bạn tham quan, nếu các bạn không ngại mệt mỏi, điểm Trek xa nhất là thác Langanan với quãng đường 3525m. Trên đường tới đó là Vườn Bướm, Cầu treo Canopy Walk, thác Kipungit, hang dơi, một số điểm sẽ buộc bạn phải mua thêm vé vào. Rất có thể sẽ khiến bạn mất hết một ngày đó.
Trở lại vấn đề, nếu bạn tưởng tượng rằng bạn sẽ được trầm mình trong một con suối êm đềm, dòng nước trong vắt uốn lượn quanh các phiến đá, xen kẻ những bụi cây xanh tươi tốt. Và khói thì đang bốc lên nghi ngút từ dòng nước vì chính sức nóng của nó. Bạn đã lầm. Khu vực suối nước nóng này đã được quy hoạch, và xây dựng thành những bồn tắm riêng biệt, và nếu bạn muốn tắm, thì cứ nhảy vào một trong các đó và xả nước nóng vào, có một vòi nước lạnh nữa để các bạn điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn. Chả lãng mạn như tưởng tượng đâu 😀
Cầu treo trên cây Canopy Walk và thác Kipungit
Bọn tôi đi bộ qua khỏi khu vực suối nước nóng thì trời bắt đầu mưa nặng hạt và trở nên tầm tã một cách nhanh chóng, thê là đội mưa mà tiếp tục bước đi, nền đất của lối mòn nhỏ dần trở nên trơn trượt hơn với màn nước từ trên trời rơi xuống. Sau khoảng 15 phút bọn tôi cũng đã ướt nhẹp và thác nước đã hiện ra trước mặt. Thác Kipungit chỉ là một dòng nước không lớn lắm, chảy dọc xuống một phiến đá to, tràn ra một hồ nước nhỏ phía dưới trước khi theo con suối đi xa hơn. Luke và Alex cởi áo chạy lại hồ để tắm, còn tôi và Feza thì chỉ đứng trú mưa gần đó, vì tôi cũng không cảm thấy hứng thú với việc tắm thác này lắm. Và dù gì tôi cũng đã ướt rồi =))
Nhây nhưa một hồi ở thác xong, bọn tôi không quyết định đi xa hơn nữa mà quay lại để đi Canopy Walk, thứ mà bọn tôi chắc chắn là sẽ thú vị hơn và sẽ thật là tiếc nếu đã tới KK mà không trải nghiệm. Nằm ở giữa đường về là một lối rẽ và quầy bán vé Canopy Walk. Giá vé ở đây là 3RM cho người Malaysia và 5RM cho người nước ngoài. Là một cây cầu treo lủng lẳng gồm nhiều đoạn được lắp đặt ở độ cao hơn 40m so với mặt đất, trên những thân cây cao lớn của rừng quốc gia Kinabalu. Tổng chiều dài của cầu treo này vào tầm 175m, đủ để làm các bạn sợ độ cao phải chóng mặt khi bước đi. Đã thế, nó còn lắc lư, rung lên rung xuống nhịp nhàng theo bước chân của bạn nữa kìa. Thiết kế của cây cầu cũng đơn giản thôi, hai dây thừng chính chạy hai bên, tấm ván hẹp, chỉ đủ để các bạn bước chân lên, treo lủng lẳng phía dưới đó tầm 1m. Mà bạn cũng đừng lo bị trượt chân ra khỏi tấm ván vì đã có lớp lưới hai bên che lại.
Một điều cần lưu ý là, ở quầy bán vé có thông báo là các bạn không được chụp hình, quay phim khi lên cầu. Và nếu muốn làm vậy, các bạn phải mua thêm vé, điều này áp dụng cho cả máy kỹ thuật số lẫn điện thoại. Nhưng mà, bạn yên tâm đi, khi bạn đã đi ra giữa cầu rồi thì chẳng ai giám sát bạn được nữa đâu :D.
Hoàn thành xong quãng đường dài chóng mặt đó, bọn tôi quay trở lại tắm nước nóng trước khi ra về.
Đêm náo nhiệt ở Water Font
Bọn tôi quay về trung tâm thành phố thì trời cũng đã sầm tối. Đường phố đông đúc, dòng xe nhích nhích chậm chạm vì hôm nay là đêm 29 Tết âm lịch của người Hoa. Tôi e dè hỏi thăm Luke xem liệu tôi có thể ngủ lại nhà anh được không vì dự định ban đầu của tôi sẽ là cắm trại, nhưng trời thì lại đang u ám quá. Luke vui vẻ đồng ý và bọn tôi về nhà anh tắm rửa nghỉ ngơi để chuẩn bị cho buổi tối họp mặt với một nhóm Couchsulfing khác.
Địa điểm tụ họp là một quán bar ở khu Water font, bar ở đây nó kiểu như một cái quán uống bia với nhạc sống thôi, chứ không phải hộp đêm như các bạn vẫn nghĩ khi nói đến Bar ở Việt Nam đâu nhe. Quán bar kiểu Ai-len (Ireland), và là địa điểm quen thuộc của nhóm Couchsulfing Kota Kinabalu. Bọn tôi mỗi người uống một chai bia và thưởng thức các bài hát được hai anh chàng nghệ sĩ với điệu bộ phong lưu trình bày cùng với guitar.
Lại nói thêm về khu vực Water font này, sở dĩ có tên gọi này là vì nó tọa lại ngay bên bờ biển, và nơi đây cũng tập trung nhiều quán bar, nhà hàng. Không khí buổi tối nơi đây rất nhộn nhịp bởi tiếng nhạc, ca hát, lấp lánh các ánh đèn đủ màu sắc, và dĩ nhiên, rất sôi động, ồn ào bởi những người tập trung nơi đây cho ngày cuối tuần.
Nếu một lần đến với Kota Kinabalu, đừng quên dành một buổi tối tại Water font để cảm nhận nhịp sống sôi động nhé.
Tối đó, tôi và Alex cùng Feza trò chuyện với nhau, Alex đột nhiên hỏi bọn tôi đề xuất một cái tên cho đứa con gái sắp chào đời của anh trong 3 tháng tới. Anh và người bạn gái đã quen nhau mười năm nay, sống chúng với nhau và sắp đón thành viên mới. Điều làm tôi ngạc nhiên là họ không hề kết hôn, và cả hai cũng không muốn điều đó. Rõ ràng là điều này cũng trái ngược với truyền thống, văn hóa ở Việt Nam nhỉ? Nhưng rõ ràng, xét theo một khía cạnh nào đó, việc kết hôn như chúng ta vẫn thường nghĩ tới cũng chỉ là một tờ giấy được chính quyền cung cấp, nói rằng họ là vợ chồng, hay là một buổi tiệc linh đình, náo nhiệt nào đó, nơi bạn bè, người thân tụ họp và nâng cao những ly bia, reo vui chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Thế thì sao nhỉ, có phải đó cũng chỉ là một sự hình thức được thể hiện ra cho một mối quan hệ mà cả hai người trong đó muốn gắn liền phần đời còn lại của mình với nhau.
Và, nếu đã xác định mối quan hệ như thế, thì những cái hình thức kia có quan trọng ,và cần thiết không? Tôi nghĩ là không. Hình thức chưa bao giờ là điều kiện tiên quyết để giúp mối quan hệ có thể duy trình lâu dài cả. Có chăng cũng chỉ là để đảm bảo quyền lợi cho nhau lúc mối quan hệ đó bị đứt vỡ…
Lần đầu đi nhờ xe
Căn hộ của Luke nằm cách xa trung tâm thành phố KK tầm 15 phút đi xe, nhưng sáng hôm đó Luke vẫn chưa về sau buổi tiệc khuya. Chỉ có tôi và Alex ở nhà. Nhưng đã đến lúc tạm biệt KK, tôi phải đi mua vé cho điểm đến sắp tới của mình. Tôi thu dọn đồ đạc vào ba lô, định bụng là sẽ bắt Uber, và rủ Alex xem liệu anh ta có muốn đi cùng và share tiền xe. Nhưng Alex chưa phải đi, và anh nói tôi có thể xin đi nhờ xe của những người trong khu căn hộ này, vì anh ta đã làm hôm qua. Mọi người rất sẵn lòng. Tôi nghĩ bụng, ừ, cũng phải thử một lần Hitch hiking xem sao.
Balo trên lưng, tôi đi bộ ra cổng khu căn hộ, nấn ná lưỡng lự một hồi lâu, hay là đi uber cho rồi, ngại quá. Nhưng rồi không lẽ mình lại không dám làm những điều mình nghĩ hay sao? Tôi mạnh dạn, hạ quyết tâm, bước ra đường và ráng nhìn xem chiếc xe nào đang đi tới mà chỉ có một người ngồi trong để vẫy hỏi. Cuối cùng, tôi cũng đã “nhắm” được một chiếc xe, tôi vẫy, anh chàng trong xe hạ kính xuống, tôi hỏi xin đi nhờ vào trung tâm. Anh đồng ý vì cũng đang chuẩn bị đi vào đó ăn sáng cùng bạn bè. Bọn tôi trò chuyện khá nhiều với nhau, và anh chàng cũng đang trong kì nghỉ tết Nguyên Đán nên có thời gian tụ tập cùng bạn bẹ. Anh cũng không quên giới thiệu với tội về những địa điểm thú vị ở KK cũng như các thông tin về văn hóa bản địa. Tôi nhờ anh đưa ra chỗ để mua vé phà, tới nơi, a còn kêu tôi ngồi trên xe, ảnh mở cửa xuống đường, lại hỏi người bảo vệ xem có đúng là chỗ này không. Sau khi xác nhận là đúng rồi thì anh mới quay lại xe và bảo tôi là tới nơi rồi :). Tôi cảm ơn anh rối rít vì sự giúp đỡ tận tình này. Tôi bước xuống, mua vé cho điểm đến kế tiếp của mình.
Tham quan chợ Philipines
Trên đường đi ra bến tàu, anh bạn cho đi nhờ xe có chỉ cho tôi một khu chợ sầm uất bên đường, dọc theo bờ biển. Và nói với tôi rằng đây là khu chợ Philipines, được thành lập bởi những người Philipines di cư qua đây, và cũng là một trong những điểm đến cho khách du lịch tại KK. Vì thế sau khi đi nhờ ra tới điểm mua vé, và trong lúc chờ tàu xuất bến, tôi cũng dành thời gian để đi bộ lại tham quan khu chợ nhộn nhịp này. Có rất nhiều, nhiều gian hàng trong khu chợ này, buôn bán đủ thứ trên trời dưới nước. Từ các thịt các để chế biến món ăn hàng ngày, tới các món quà lưu niệm, các sản vật địa phương. Tôi chú ý thấy có bán cả trầu cau như Việt Nam ấy, rồi các điếu thuốc to cuốn bằng lá thuốc nguyên nhìn như Sì-gà, một loại bánh được làm từ bắp và gói bằng lá bắp có màu vàng ươm nhìn bắt mắt. À, còn nếu bạn có nhiều tiền, muốn bồi bổ sức khỏe, nơi đây bán hải sâm nhiều vô kể nhé. Hải sâm khô, có nhiều loại với nhiều mức giá, chất đầy sọt 😀 Tưởng tượng, mua Hải Sâm mà cứ như đi mua bó rau ấy. Mà nhìn mấy con hải sâm khô này, mình lại nhớ tới một buổi sớm, trên cảng cá ở đảo Phú Quý, người ta đem xuống từ trên thuyền về những thùng mà trong đó, nhiều con hải sâm còn sống, đang chậm chạp di chuyển chen chúc nhau trong cái thùng nước nhỏ ấy.
Khu chợ Philippines rất đông dù là ban ngày, và theo tôi được biết, vào buổi đêm thì khu chợ còn nhộn nhịp hơn nhiều nữa, vì có các hàng đồ ăn đồ uống, tạo thành một khu ẩm thực đêm cho mọi người từ khắp nơi tới tụ họp, và thưởng thức các món ăn địa phương.
Jesselton Point, ga đường thủy ở Kota Kinabalu
Jesselton Point, Nơi đây là bến tàu đường thủy ở Kota Kinabalu với các chuyến tàu, tour du lịch ra các vùng biển, đảo lân cận. bên trong Jesselton Point có rất nhiều quầy bán vé bên trong với các địa điểm và nhiều tour du lịch đặc sắc. Kota Kinabalu nổi tiếng với các hòn đảo cát trắng cùng nước biển trong vắt. Nếu đã trót đem lòng yêu những bãi biển đẹp, thì đừng quên tới đây và chọn cho mình một tour đi đảo trong ngày khi tới Kota Kinabalu nhé.
Giờ G đã tới, tôi bước lên chiếc phà đang dập dềnh bên cầu tàu, tìm một chỗ ngồi và đợi nó đưa tôi đến một vùng đất mới. Tên của vùng đất này sẽ được tiết lộ trong bài tiếp theo của chuỗi bài Borneo Trip nhé 😀