Nhắc đến Zone 9 ở Hà Nội thì có lẽ đó là một câu chuyện buồn đối với nhiều bạn trẻ. Một sân chơi đã phải đóng cửa sau một vụ cháy mà từ đó phía chính quyền cho rằng nơi này không đảm bảo an toàn. Tôi chỉ biết được Zone 9 qua lời kể của bạn bè, hình ảnh trên mạng, vì bản thân tôi không có cơ hội được ra Hà Nội trước khi zone 9 bị đóng cửa.
APW tại khu Bangsar, Kuala Lumpur tuy không lớn bằng nhưng có nhiều điểm tương đồng như Zone 9, nơi đây cũng là một nhà máy cũ. Hiện tại đã được cải tạo thành một không gian giải trí cộng đồng. Có các quán cafe đẹp, các gian hàng thời trang, sách, đồ handmade,… Mỗi tháng một lần, nơi đây sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi gian trí tập trung, chợ phiên, âm nhạc dành cho mọi người. Như đợt này tôi may mắn đến đúng dịp họ tổ chức hoạt động nhân đợt lễ Deepavali của người Ấn Độ. Nên dù hôm nay trời nắng đổ lửa, nơi đây vẫn có rất đông những bạn trẻ tới vui chơi, cafe, ăn uống.
NÓI VỀ APW
APW được thành lập năm 1952 với tên gọi Art Printing Works, một nhà máy in thương mại. Vị trí ban đầu của nó là ở Lebuh Ampang, trước khi chuyển đến vị trí Bangsar hiện tại của mình vào năm 1965. Từ những năm 60 đến thập niên 80, Art Printing Works là một trong những máy in có năng suất cao nhất ở Kuala Lumpur.
Vào năm 2013, một ý tưởng đã được hình thành là tái sử dụng không gian không dùng đến trong khuôn viên nhà máy in – để chuyển nhà máy thành một không gian sáng tạo đầy cảm hứng. Các không gian khác nhau đã được thiệt lập lại để tạo ra một khuôn viên đô thị cho cộng đồng, một không gian tập trung dành cho các cá nhân và các nhóm từ nhiều nguồn thông tin khác nhau thông qua các sự kiện, hội thảo và các chương trình.
Từ năm 2014, nơi đây đã được các công ty, doanh nhân, nhà giáo dục, nghệ sỹ, doanh nghiệp nhỏ và phi lợi nhuận sử dụng tổ chức hội thảo, phiên chợ thủ công, biểu diễn, và các sự kiện khác.
THAM QUAN – KHÁM PHÁ APW
Tôi biết được nơi này một cách tình cờ, khi đang tìm cho mình một quán cafe mới để giết thời gian ngày chủ nhật. Khi tôi tới nơi thì không thấy quán cafe như trong hình ngay, mà phải đi tìm, tôi bước vào bên trong khuôn viên APW, thấy rất nhiều người đi qua đi lại, có cả những người phương tây. Tôi thấy phía trước, bên tay trái là quán cafe mà tôi đã tìm thấy trên mạng. Nhưng khu vực náo nhiệt này còn nhiều công trình quá, nên tôi dành thời gian đi ngó nghiêng xung quanh trước đã. Gì đâu mà phải vội!
Ngay phía bên tay trái khi vừa bước qua khỏi cổng là một chiếc xe bus cũ, được cải biên thành một hiệu sách nhỏ, dĩ nhiên cũng là một góc đẹp để các bạn trẻ chụp hình. Hai bên lối vào là hai quán cafe với thiết kế đẹp về ngoại thất cũng như nội thất. Các cây xanh là một phần không thể thiếu và hiện diện rất nhiều trong khu vực.
Tiến vào sâu hơn, là khu vực gian hàng trò chơi dành cho thiếu nhi. Bên tay phải lúc này đang có buổi chợ phiên với nhiều loại món ăn, đồ uống, và thực khách tấp nập vào ra. Đi vào sâu hơn khu chợ phiên, nơi đang phát ra những bài nhạc rộn ràng là một sân khấu nhỏ, và ban nhạc đang biểu diễn. Trong này cũng có thêm quán cafe khác nữa, và một chiếc xe nhỏ khác được cải tiến thành quán bán đồ uống.
Tiếp tục đi vào thì sẽ có hai khu bán hàng thời trang và hàng thủ công, mỗi khu như vậy có nhiều các gian hàng nhỏ, nơi các bạn trẻ đang đứng phía sau quầy hàng của mình. Khuôn mặt tươi cười rạng rỡ, đang thuyết phục những vị khách hàng “lỡ” chú ý đến mấy món đồ nhỏ xinh kia.
Bên trong khu chính của APW, ở tầng trệt là nơi đặt các máy móc của nhà máy in, còn tầng trên là khu co-working space (không gian làm việc chia sẻ). Nhưng vì là cuối tuần nên nơi này không mở cửa.
ĐIỆU NHẢY ẤN ĐỘ
Cũng là một sự may mắn, khi tôi đang ngồi nhấm nháp cafe, nhìn qua lớp tường kính của quán, tôi thấy mấy anh chàng Ấn Độ mặc áo lụa màu sắc sặc sỡ đi ra với các nhạc cụ, nhảy nhót, và đọc như hát các câu gì đó mà tôi không hiểu được. Từ sớm tôi đã biết hôm cuối tuần này nơi đây tổ chức sự kiện nhân dịp lễ Deepavali của người theo đạo Hindu.Mấy anh chàng nhảy nhót rất sung sức, và vui tươi, mọi người đứng xung quanh reo hò khí thế. Một hồi, mấy anh chàng vũ công kéo nhau đi lại phía sân khấu. Nơi đây, nhạc nổi lên, các anh nhảy múa còn sung hơn, lâu lâu vẫn dùng thêm các loại nhạc cụ trên tay mình. Một anh chàng vũ công quá cuồng nhiệt, còn đứng lên trên ghế để nhảy. Khán giả không ngớt tiếng cổ vũ. Hết tiết mục, mọi người xung quanh cứ đòi: “nữa đi! nữa đi!,…”. Thế là nhạc lại tiếp tục nổi lên, và vũ điệu vẫn không hề trầm xuống một xíu nào. Cảm giác như tôi đang ở trong phim trường của một bộ phim Bollywood vậy.