Cánh đồng chum Xiêng Khoảng – kiệt tác của người xưa
Mình thăm cánh đồng chum Xiêng Khoảng trong chuyến đi bụi cuối năm 2015 của mình. Đi Lào vào thời điểm này khá tuyệt vì thời tiết không quá nóng. Cánh đồng Chum nằm gần Thị Xã Phonsavan, tỉnh Xiêng Khoảng. Khu vực cánh đồng Chum rất rộng và nằm rải rác, nhiều khu vẫn còn bom mìn chưa nổ sót lại từ thời chiến tranh. Nên Lào chỉ mở cửa cho khách tham quan tại 3 cánh đồng chum. Trong đó canh đồng Chum gần nhất là site 1, đây cũng là nơi mà mình ghé thăm. Site 2 và site 3 nằm gần nhau và cùng cách xa trung tâm Phonsavan. Ngoài ra, còn có 1 địa điểm được nghi là nơi sản xuất Chum đá, nằm cách trung Tâm Phonsavan tầm hơn 12 km theo hướng di về Luang Prapang.
Mình tới thăm cánh đồng chum vào một buổi chiều, các bạn chú ý là chỉ mở cửa tham quan tới 5 giờ chiều thôi nên canh giờ nhé. Site 1 cũng khá rộng, và để đi bộ hết cả khu vực này có lẽ tầm một tiếng. Lúc mình dừng xe trước cổng ban quản lý và đi vào tìm người bán vé, có một anh người Lào đi ra nhìn thấy biển số xe mình và hỏi: “người Việt à?”. Rồi ảnh nói cho mình biết trước ảnh có đi học trong Sài Gòn và ở Gò Vấp. Về sau mình mới biết là để làm trong các cơ quan nhà nước bên Lào, đa phần phải đi “du học” ở Việt Nam. Cộng với việc người Việt sinh sống, làm việc, kinh doanh ở các khu đông dân cư của Lào cũng nhiều. Nên nhiều người Lào cũng biết tiếng Việt.
Sau khi mua vé xong, mình đi bộ vào khu vực cánh đồng Chum, chỗ này người ta không cho chạy xe máy vào. Nhưng có xe điện chở các bạn vào miễn phí. Mình thì không thích chờ nên đi bộ luôn. Chắc cũng tầm 1km từ chỗ nhà Ban quản lý cho tới khu vực bắt đầu tham quan.
Từ chỗ bắt đầu tham quan, các bạn đi vào một đường nhỏ, hai hàng cây xanh hai bên. Tới một cụm vài cái chum đá đầu tiên, lúc này đây là các bạn đang đứng ở trên đồi. Nhìn xuống phía dưới sẽ thấy quang cảnh cả một cánh đồng chum rộng lớn.
Cum chum đá đầu tiên mà bạn thấy, có nhiều chiếc đã hư hại gần hết
Bạn sẽ thấy choáng ngợp trước cảnh rất nhiều chum đá được bày biện rải khắp khu vực rộng lớn nơi đây. Mỗi chum có cân nặng từ 600kg – 1tấn, đường kính cỡ 2 người ôm. Không biết họ đã tạo ra nó bằng cách nào nhỉ? Từ trên đồi, có cầu thang để bước xuống phía cánh đồng bên dưới dễ dàng hơn.
Khám phá cánh đồng chum Xiêng Khoảng
Đi bộ xuống dốc, vào giữa cánh đồng, giữa những chiếc chum đá. Mình cũng thử nhìn ngắm xem bên trong các chum này con gì không. Nhưng chỉ có nước mưa đọng lại mà thôi. Xen kẽ giữa những chiếc chum đá, lâu lâu lại có một vài cái hố lớn. Bạn sẽ thấy người ta cắm bảng cho bạn biết rằng, đây là những hố bom do chiến tranh để lại.
Bước xuống dưới này, phía bên tay trái bạn sẽ thấy một cái hang tối, hang này được có tên là Thăm Hảy. Bên trong có một cỗ bàn thờ khá lớn. Mình có tìm hiểu qua nhiều tài liệu trên mạng, nhưng chưa thấy tài liệu nào đề cập đến bàn thờ này. Không rõ là thờ gì.
Ở miệng hang có nhiều chồng đá có vẻ như được người ta sắp đặt. Không biết đây là do một phong tục của người địa phương. Hay là do những vị khách du lịch tạo nên. Vì mình nhớ có một cậu bạn người Mỹ từng nói với mình. Khi những người phương Tây đi du lịch đến vùng đất khác, thường xếp chồng 7 hòn đá lên nhau như một lời chúc may mắn cho người sau đến nơi này. Nếu các bạn từng đi nhiều nơi, có lẽ cũng đã từng thấy qua những chồng đá kiểu vậy.
Lòng hang khá rộng, trần hang cao, có hai lỗ thông ở trên đỉnh, ánh sáng từ trên rọi thẳng xuống. Phía bên ngoài có đường để các bạn đi được lên trên đỉnh của hang. Khu vực 2 lỗ thông này đã được rào lại bằng kẽm gai để tránh nguy hiểm cho khách tham quan.
Mình xin trích một đoạn giả thuyết về cái hang này mà mình thấy trên một trang mạng:
“Cố tiến sĩ khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani cho rằng đó là lò thiêu xác vào thời Đồng Thau: Người ta đã đốt xác người chết trong hang rồi bỏ tro cốt vào chum đá. Lòng hang có hình cái chum úp ngược khổng lồ cao gần 20m; hai lỗ thông hơi hình tròn trên vòm hang có lẽ là hai ống khói của lò hỏa thiêu mà bà đã đề cập. Trong hang có am thờ mà theo lời đồn là rất linh thiêng; lòng hang vẫn còn ám khói đen ngòm. Anh Tha Phou cho biết trong chiến tranh chống Mỹ, bộ đội Lào và Việt Nam đã đục đá khoét cho lòng hang to thêm để đưa cả xe Jeep vào tránh bom.”
Có một điều thú vị là, trên cả một cánh đồng chum rộng lớn vậy, chỉ còn có 1 cái chum là có nắp đá được đậy bên trên. Các bạn tới đây, nên lại chụp hình “sống ảo” với cái nắp đã duy nhất này nhé 😀
Xem thêm các hình ảnh về cánh đồng chum Xiêng Khoảng.
Đọc xong bài, các bạn nhớ cho cánh đồng chum vào danh sách điểm đến sắp tới của các ban nhé.
Tham quan đất nước con người Lào thật tuyệt vời. Thiên nhiên và con người tạo thành một kiệt tác văn hoá còn mãi thời gian