Trong bài viết trước về một buổi chiều khám phá Brunei, tôi đã nói rằng mình khá ngạc nhiên khi biết nơi đây cũng có người Hoa, lúc mà mình phát hiện ra ngôi chùa Teng Yun này. Từ đó tôi cũng bắt đầu tìm hiểu thêm và bắt gặp những tài liệu khá thú vị về ngôi chùa đầu tiên của người Hoa tại Brunei. Về bối cảnh và nguồn gốc của nó, cũng như tiền thân của ngôi chùa Teng Yun ngày nay là một ngôi chùa khác đã được tháo dỡ từ năm 1960.
Ngôi chùa Teng Yun nằm trên đường Kianggeh thu hút rất nhiều khách du lịch cũng như những người đam mê nhiếp ảnh ở Brunei vào dịp Tết âm lịch. Ngôi chùa đã tồn tại từ rất lâu ở đó nên cũng không còn nhiều người nhớ rằng đã từng có một ngôi chùa khác ở trong trung tâm thành phố Bandar Seri Begawan, thủ đô Brunei.
Nhìn vào những tấm ảnh xưa của bến cảng Brunei, ta có thể thấy nơi đó có một ngôi chùa cũ. Khi hỏi thăm những người ở khu vựng Kampong Ayer, nhiều người lớn tuổi nhớ rằng, cho tới năm 1960, vẫn còn một ngôi chùa Hoa ở đó. Ngôi chùa bị tháo dỡ sau đó không lâu, cùng với một số tòa nhà chính phủ để mở rộng Hải cảng. Cảng Brunei từng là hải cảng duy nhất ở trung tâm thành phố cho tới khi cảng Muara được mở ra vào năm 1972.
Theo những nghiên cứu, ngôi chùa Hoa đầu tiên này được xây dựng vào năm 1918. Đây là lúc Thế chiến thứ nhất nổ ra ở Châu Âu, nhưng lại là thời kỳ làm ăn phát đạt của những thương nhân gốc Hoa tại Brunei. Những thương nhân gốc Hoa này nằm trong số những người đầu tiên thực hiện theo chính sách tạo lập vùng kinh tế mới bên ngoài khu vực Kampong Ayer, thành phố trung tâm lúc đó. Cộng đồng người Hoa, đa phần là người Phúc Kiến (Hokkien) đến từ đảo Kim Môn (Quemoy), được thuê làm việc tại những cánh đồng thuốc lá hoặc thuốc phiện của người Anh đồng thời một số khác còn đảm nhiệm việc kinh doanh rượu, dầu hỏa,… Họ còn được thuê vào làm việc tại các đồn điền cao su và các ruộng lúa. Vì thế, thời kì này là giai đoạn thịnh vượng của cộng đồng người Hoa ở Brunei.
Vào năm 1918, Dato Cheok Boon Siok (Dato là từ dùng để gọi những người có ảnh hưởng trong cộng đồng với sự kính trọng), người sở hữu rất nhiều đất và cửa hàng trên khắp con đường Sultan ngày nay (con đường chính nằm cạnh sông Brunei ở thủ đô BSB). Ông đã đóng góp một phần đất của mình nằm ngay bên cạnh bờ sông Brunei để xây dựng ngôi chùa người Hoa đầu tiên. Ngôi chùa được xây dựng với một kiến trúc độc đáo và tiêu tốn khoảng 8,075.50 đô la (Straits Dollar), một con số đáng kể vào thời điểm đó. Nguồn tiền được đóng góp từ những cửa hàng và cá nhân ở Labuan, Limbang và Brunei cũng như tiền thuế có được từ việc nhập khẩu thuốc lá và rượu trắng. Trong đó, một cửa hàng tên Choon Guan đứng đầu trong danh sách đóng góp với số tiền lớn nhất.
Ngôi chùa ban đầu được đặt tên là Teng Yun (Temple of Flying Clouds) nhưng sau đó nó được biết đến nhiều hơn với cái tên Twa Pa Kung (Great Uncle Temple). Ngôi chùa cũ đã tồn tại qua những trận bom trong thế chiến thứ hai, nhưng sau đó, khi sự cần thiết của việc mở rộng bến cảng. Ngôi chùa và nhiều tòa nhà chính phủ khác đã bị dỡ bỏ. Ngôi chùa mới được dựng ngay sau đó tại vị trí hiện tại trên đường Kianggeh. Chính phủ đã hỗ trợ 45,000 đô Brunei để xây dựng ngôi chùa mới vào năm 1960.
Sáng đi bụi
– Theo Brunei Resources