Từ đảo Labuan đến Brunei chỉ mất tầm hơn 1 tiếng đi Phà và 35RM tiền vé. Tiếp đó từ bến phà ở Brunei, bạn phải đi xe bus vào thủ đô Bandar Seri Begawan, mất tầm thêm 1 tiếng nữa. Ở Labuan tôi có hỏi thăm vài người thì họ nói là ở bến phà Brunei có chỗ đổi tiền, thế nhưng khi tôi tới thì đúng vào ngày chủ nhật nên quầy đổi tiền đóng cửa. Tôi đi hỏi mấy anh nhân viên an ninh thì cũng được xác nhận lại như vậy. Hy vọng cuối cùng của tôi là lên xe bus có thể trả bằng tiền Ringit của Malay. Mà kì thực là tôi cũng chả biết xe bus sẽ dừng ở đâu. Nên lại phải hỏi tiếp, mấy anh an ninh chỉ ra phía ngoài cổng, và nói có khả năng hôm nay xe bus cũng không hoạt động. Trời ơi! Brunei làm khó tôi dữ à! Tôi đã phải nghĩ tới phương án đi nhờ xe trong trường hợp không có xe bus. Nhưng tôi vẫn hỏi han tiếp vài người chỗ chờ xe bus và tới đó đứng. Gặp một cụ già, tôi hỏi cụ để xác nhận chờ xe bus ở đây đúng không. Cụ bảo đúng và cụ cũng đang chờ. Lòng tôi trở bên nhẹ nhõm.

Hồi sau, xe bus tới, trái với suy nghĩ ban đầu rằng xe bus ở vương quốc Hồi giáo giàu có này sẽ mới toanh và hiện đại. Nhưng không, chiếc xe bus vừa trờ tới rất cũ kỹ rồi, có lẽ, cũng không khó để giải thích điều này, vì người ta giàu, đi xe riêng hết rồi, mấy ai đi xe bus đâu. Đang mãi nghĩ thì bỗng nhiên có bàn tay gầy gò nào đó nắm lấy cánh tay tôi kéo về hướng cửa xe bus, tôi nhận ra đó chính là cụ ông vừa nói chuyện lúc nãy. Kiểu như sợ tôi lớ ngớ không biết gì ấy, nên cụ rất ân cần dẫn tôi theo. Tiếp theo là chuyện mua vé xe, bác tài xế bảo tôi 2 đô Brunei, nhưng vì không có nên tôi hỏi có thể trả bằng tiền Ringit không, bác lắc đầu trong ngậm ngùi. Lúc đó, có một anh bạn trẻ cũng bước lên, chứng kiến câu chuyện, sau khi mua vé cho ảnh thì ảnh bảo là trả luôn cho tôi. Tôi cảm ơn rối rít, sau đó đưa tờ 50 Ringit ra ngỏ ý hỏi anh có thể đổi tiền Malay cho tôi lấy tiền Brunei được không. Nhưng anh bảo không có tiền, và nói tôi không cần phải trả cho anh đâu. Tên anh bạn là Faried, người Indonesia, quê ở gần Bali, anh ta tới Brunei để làm việc trong một nhà hàng. Tôi hỏi anh nếu tối nay rảnh thì có thể cùng tôi đi vòng vòng được không, nhưng anh ta chưa chắc chắn về điều đó… Về sau tôi mới biết rằng ở Brunei có khá nhiều người dân nghèo từ các nước lân cận như Malaysia, Philipines, Indonesia, thậm chí là từ Ấn Độ đến để làm những công việc phổ thông.

Du lịch bụi khám phá Brunei

Bắt đầu khám phá Brunei

Tôi ngồi vào một cái ghế trống bên cạnh cửa sổ của chiếc xe bus tồi tàn và nhìn ngắm vùng ngoại ô của Brunei, dân cư thưa thớt, cây xanh nhiều hơn nhà. Nhưng nhiêu đó thôi cũng đủ để kết luận là: “GIÀU”. Giàu lắm, vì nhà thưa, nhưng nhà nào cũng như biệt thự, vậy chưa đủ, trong sân của mỗi căn biệt thự đó, thì phải chừng 2,3 chiếc ô tô, đôi khi còn có thêm mô tô nữa. Ôi chao, ăn gì mà giàu dữ =)). Càng tiến vào trung tâm thủ đô Bandar Seri Begawan thì mảng xanh thưa dần và nhà cửa thì sát lại, dĩ nhiên, cũng không to như ngoại thành nữa. Tuyến xe bus này không có trạm dừng chính xác nào, ai muốn xuống đâu thì lại nói bác tài thôi. Faried xuống khỏi xe khi vừa mới vào trung tâm thủ đô. Còn tôi thì đợi tới bên xe trong trung tâm luôn, để còn mua vé cho chuyến đi ngày mai.

Xe dừng ở bến xe trung tâm, nơi này nồng nặc mùi xăng xe và đông đúc những người, xung quanh nhếch nhác và kém vệ sinh trái ngược hẳn với đường phố bên ngoài. Tôi hỏi cụ ông biết xe bus nào để hôm sau tôi đi Miri không, thì ông cụ lại cầm lấy tay tôi và dẫn đi, chỉ tôi một chiếc xe bus và nói rằng lên xe này tới 1 trạm nào nó rồi có thể đón xe qua Miri, hơi lằng nhằng, nhưng tôi cũng cảm ơn cụ rất nhiều vì đã quá tốt bụng với một người lạ mặt. Tôi tìm chỗ đổi tiền, sau đó đi ra một tiệm Burger King gần đó để ăn uống, sạc pin các thứ và quan trọng nhất là tìm kiếm thông tin du lịch ở Brunei và xe bus đi ngày mai.

Nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddin

Du lịch bụi khám phá Brunei

Tính từ trung tâm thành phố, thì nơi đây là dễ tìm thấy và đáng đi nhất. Sultan Omar Ali Saifuddin được biết đến là một trong những nhà thờ Hồi giáo đẹp nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đây cũng là địa điểm mang tính lịch sử và thu hút du lịch chính của Brunei. Nhìn từ bên ngoài bạn sẽ thấy phần mái vòm to nhất của nhà thờ có màu vàng óng ánh. Nếu bạn hỏi đó có phải vàng thật không? thì câu trả lời là PHẢI! Toàn bộ mái vòm được dát vàng, và những cây cột bằng đá cẩm thạch được sử dụng ở nhà thờ này đều được nhập từ Ý.
Tên của nhà thờ được đặt theo tên vị vua thứ 28 của Brunei – Omar Ali Saifuddin, ông cũng là người cho khởi công xây dựng nơi này với mong muốn nhà thờ là biểu tượng tôn giáo của Brunei. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1958.

Trong khuôn viên của nhà thờ Hồi giáo này có có một con thuyền xây dựng bằng bê tông và đá trên mặt nước. Con thuyền được dựng theo nguyên bản của một chiếc thuyền hoàng (royal barge) gia vào thế kỷ 16, nơi tổ chức những buổi đọc kinh Quran (kinh thánh của đạo Hồi)

Du lịch bụi khám phá Brunei
Vừa bước tới cửa vào của nhà thờ tôi đã cảm thấy như được cứu rỗi bởi hơi lạnh từ bên trong phả ra mát rượi, trái ngược hẳn với cái nắng nóng oi bức ngoài trời. Nhưng, nhanh chóng, một người người đứng gác ở đó chặn tôi lại và bảo tôi phải khoác cái áo lễ, phủ dài xuống chân, thì mới được vào trong. Những cái áo này được treo trên sào ngay trước cửa nhà thờ.
Bước vào bên trong, bạn sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp của nhà thờ, tuy không phải là quá cầu kì, nội thất của nhà thờ không quá đặc sắc nhưng nhẹ nhàng, tính tế với những mảng họa tiết mạ vàng. Vì không được phép chụp hình bên trong nhà thờ, nên tôi chỉ đứng nhìn xung quanh. Phía trên là trần nhà cao chót vót phía trên, khiến những du khách đứng giữa nhà thờ thấy mình thật nhỏ bé, và có chiều hướng lạc lõng giữa mông lung.

Du lịch bụi khám phá Brunei

Royal Regalia Museum

Du lịch bụi khám phá Brunei

Sau khi tham quan xong nhà thờ Sultan Omar Ali, tôi tiếp tục đi bộ dọc theo các con đường, không xác định điểm đến, chỉ là để mặc đôi chân dẫn lối. Chiều muộn, cuối tuần, và cũng là dịp Tết Nguyên Đán nên nhiều nơi đóng cửa. Tôi đi ngang qua bảo tàng hoàng gia Regalia. Bình thường thì nơi đây sẽ mở cửa miễn phí cho mọi người vào tham quan, với điều kiện là không được chụp ảnh cũng như để giày dép phía bên ngoài. Tòa nhà này được xây dựng hình bán nguyệt, đá hoa cương được sử dụng rất nhiều trong phần nội thất. Một mái vòm lớn ngay sảnh chính của tòa nhà được khảm các họa tiết tinh tế. Vật trưng bày ngay sảnh chính của bảo tàng là Royal Chariot, một chiếc xe kéo dát vàng, được dùng trong chuyến diễu hành của nhà vua khi đăng quang năm 1968. Ngoài ra còn có nhiều những đồ vật được sử dụng trong các nghi lễ hoàng gia khác.

Teng Yun Temple (Temple of Flying Clouds)

Du lịch bụi khám phá Brunei

Trên đường quay trở lại khu vực Waterfont, tôi tình cờ bắt gặp ngôi chùa Hoa Teng Yun này, tọa lạc trên con đường Kiaggeh. Lúc này tôi mới biết là ở nơi đây cũng có cộng đồng người Hoa sinh sống. Tôi chỉ không rõ là những tập tục sinh hoạt của học có bị gò bó bởi những đạo luật Hồi giáo không, và nhất là vương quốc Brunei cũng khá bảo thủ so với những quốc gia đạo Hồi lân cận.

Hôm nay là mồng một Tết, nên trong chùa cũng có nhiều người đang đi lễ, thắp hương, cũng bái. Tôi dạo bước vào khuôn viên chùa để tham quan. Vẫn như bao ngôi chùa người Hoa khác, với màu đỏ chủ đạo và mái ngói xanh. Những chiếc lồng đèn được căng phía trước sân chùa cũng là một phần không thể thiếu. Diện tích của ngôi chùa cũng không lớn lắm, nhưng có vị trí dễ tìm thấy vì ở trung tâm thành Phố. Lúc tôi tới đây thì cũng có một anh bạn nhiếp ảnh đang chụp hình ngôi chùa này, bọn tôi chào hỏi qua lại vài câu rồi tôi cũng lấy chiếc máy ảnh của mình ra để chụp. Về lịch sử của ngôi chùa cũng khá thú vị, tôi sẽ có một bài viết riêng về lịch sử của ngôi chùa Hoa trên đất nước Hồi giáo Brunei này.

Du lịch bụi khám phá Brunei

Thuyền trên sông Kianggeh, Waterfront bên bờ sông Brunei, tượng đài Mercu Dirgahayu 60

Du lịch bụi khám phá Brunei

Ra khỏi cổng chùa, bước qua bên kia đường là con sông Kianggeh êm đềm, trên sông có những chiếc xuống nhỏ chạy bằng động cơ đang xuôi ngược, được điều khiển bởi những người đàn ông hoặc các nhóm thanh niên. Khi nhìn thấy tôi, một chú ra hiệu hỏi coi muốn đi không và ra giá 20 đô Brunei, tôi không đồng ý thì họ bớt xuống còn 15 đô. Nhưng mức giá đó vẫn chưa đủ để hấp dẫn tôi. Một phần nữa là vẻ mặt của họ, cũng như những tốp thanh niên trên thuyền có vẻ không được thân thiện lắm. Tôi không muốn tỏ ra là nhìn mặt bắt hình dong. Nhưng trong những chuyến đi kiểu này, tôi thường hạn chế tiếp xúc với những người mà tạo cảm giác không an toàn cho mình. Một mình ở nơi xa lạ thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.

Du lịch bụi khám phá Brunei
Cuối sông Kianggeh đổ vào dòng sông lớn Brunei, mà đứng từ bên bờ này, nhìn qua bên kia là những nhóm nhà lấn sông nhiều màu sắc. Đằng sau đó là một cây cầu với các dây văng được neo vào cột trụ ở giữa cao chót vót, phần đầu cột là một mái vòm đặc trưng của Hồi giáo màu vàng rực rỡ.

Khu vực bên bờ sông Brunei mà tôi đang đứng được gọi là khu Waterfont, với một hành lang đi bộ rộng thênh thang để cho mọi người có thể đi dạo, chạy bộ, và các hoạt động buôn bán khác. Điểm nhấn ở khu vực Waterfont này là Mercu Dirgahayu 60, một tượng đài dành khách du lịch chụp hình, check-in

Du lịch bụi khám phá Brunei

Chiều đó, khi tôi đi lại hỏi đường một chị người Hoa, thì chị cũng bắt chuyện với tôi vài câu. Khi biết rằng tôi sẽ kiếm một chỗ cắm trại hoặc ra ngủ ở khu vực Waterfront, chị đã khá ngạc nhiên, nhưng cũng tươi cười nói với tôi rằng chuyện đó cũng ổn đấy vì ở Brunei này rất an toàn. Tôi cũng nghĩ rằng, ở quốc gia giàu có này, thì chắc hẳn người ta cũng không cần phải trộm cắp này nọ…

Yayasan Sultan Haji Hassanal Bolkiah Complex

Du lịch bụi khám phá Brunei

Là một khu phức hợp, trung tâm mua sắm gồm hai tòa nhà ở hai bên một con phố đi bộ. Tối hôm đó, trời nóng kinh khủng, tôi đi dạo vòng vòng trong khu phức hợp này để tận hưởng cái mát lạnh từ hệ thống điều hòa. Con phố đi bộ ở giữa có một đài phun nước. Đứng ở đây bạn có thể nhìn thấy nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddin. Buổi tối nơi này có rất nhiều người tụ tập, xung quanh là các gian hàng bán đồ ăn uống, quà lưu niệm, và các quầy trò chơi dành cho trẻ em. Tôi đứng nhìn một hồi lâu các em bé chơi tạo bong bóng xà phòng bằng một cái vợt có nhiều vòng tròn, nhúng vào một chậu xà phòng phía dưới, rồi tung lên, múa qua hướng này, hướng kia để tạo ra rất nhiều những bong bóng nhỏ rồi vỡ tan trong không khí.

Du lịch bụi khám phá Brunei

Tôi ráng ngồi chơi ở đây cho tới muộn, rồi đi bộ về khu vực Waterfont tìm chỗ ngủ. Và câu chuyện xảy ta tiếp theo đã diễn ra theo một hướng mà tôi không hề mong đợi…

Nếu bạn có dự định du lịch Brunei?

Nếu bạn thật sự đang lên một kế hoạch để du lịch ở Brunei, các bạn có thể tìm thấy trên mạng nói khá nhiều bài viết nói rằng việc du lịch ở Brunei không thật sự thú vị. Ừ, nói một cách khác là nó hơi chán, không quá đặc sắc và khác biệt so với các nước Hồi giáo lân cận. Nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ là chính, người dân có thu nhập tốt, họ không chú trọng phát triển du lịch, vì thế các dịch vụ phụ trợ du lịch cũng không nhiều. Nếu bạn muốn đi cho biết Brunei, hay là để có một con dấu trên Passport, thì một ngày là đủ cho vương quốc Hồi giáo này.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here